Người đứng đầu Ủy ban Bầu cử Cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ mới đây đã xác nhận thông tin trên. Theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thay thế hệ thống nghị viện của nước này bằng chế độ Tổng thống hành pháp mà ông Tayyip Erdogan tìm kiếm bấy lâu.
Sự thay đổi về Hiến pháp có thể tạo thuận lợi cho chính quyền Tổng thống Erdogan. |
Đề xuất trên sẽ cho phép Tổng thống ban hành các sắc lệnh, tuyên bố chế độ khẩn cấp, bổ nhiệm bộ trưởng và các quan chức nhà nước cấp cao cũng như giải tán quốc hội. Cũng theo đề xuất trên, Tổng thống Erdogan có khả năng duy trì quyền lực cho đến năm 2029.
Giới chuyên gia nhận định, những kế hoạch trên được xem như một sự bảo đảm ổn định ngay tại thời điểm, tình hình an ninh tại Ankara luôn bị đe dọa bởi các cuộc chiến ở nước láng giềng Syria và Iraq, cùng một loạt nguy cơ từ khủng bố của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, nhóm phiến quân người Kurd.
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan mới đây đã ký vào một dự luật cải cách hiến pháp, gồm 18 điều và được Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ thông qua vào tháng trước mà không trải qua một cuộc bỏ phiếu lấy ý kiến. Dự luật đã nhận được sự ủng hộ của Đảng Công lý và Phát triển (AKP) cùng những đồng minh của họ trong Quốc hội.
Nhiều người đã lên án dự luật này khi cho rằng, nó sẽ dẫn đến một thể chế chuyên quyền, khi Tổng thống cùng thành viên nội các sẽ không bị điều tra, còn quyền lực của ông Erdogan thì ngày càng được củng cố. Bên cạnh đó, một cuộc truy quét lớn được thực hiện nhằm vào nhiều công chức, các tổ chức truyền thông và đảng phái có tư tưởng đối lập với ông. Tranh cãi về dự luật này đang khiến Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng bị chia rẽ và nhiều người tin rằng, kể từ thời điểm này cho đến khi cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức, căng thẳng sẽ luôn nóng.
Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn đang chấn động sau một loạt các vụ khủng bố, cũng như vụ đảo chính bất thành diễn ra vào tháng 7/2016. Hàng chục nghìn người đã bị sa thải khỏi các cơ quan chính phủ, truyền thông, hàn lâm, giáo dục, quân đội và công ích vì bị tình nghi có liên quan đến phong trào Gulen, một nhóm do một giáo sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đang định cư tại Mỹ bị cáo buộc đứng đằng sau âm mưu đảo chính.