Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thờ ơ với di sản ca trù

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việt Nam có 15 tỉnh, TP có di sản ca trù nhưng Liên hoan ca trù toàn quốc 2018 dự kiến vào đầu tháng 11 tới, các địa phương được coi là trung tâm lớn của ca trù là Vĩnh Phúc và Nam Định lại vắng mặt không rõ lý do. Sự thờ ơ của các địa phương khiến giới chuyên gia lo ngại không biết bao giờ ca trù mới thoát khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp.

Thích thì làm, không thích thì thôi
Liên hoan ca trù toàn quốc 2018 diễn ra vào đầu tháng 11/2018 sẽ có sự tham gia của các đơn vị, câu lạc bộ ca trù của 13 tỉnh, TP có di sản này (Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và TP Hồ Chí Minh) với 88 tiết mục.
 Hát ca trù tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Hải Linh
Ngay tại buổi họp báo giới thiệu về Liên hoan, nhiều đại biểu ngỡ ngàng về sự thiếu vắng của 2 địa phương trung tâm di sản lớn của ca trù là Nam Định và Vĩnh Phúc. Được biết, trước đó, Ban tổ chức Liên hoan đã gửi thông báo, hướng dẫn tham dự về tất cả các địa phương có sở hữu di sản. Thậm chí, còn gia hạn thời gian đăng ký so với dự kiến ban đầu. Thế nhưng, đến phút chót, 2 địa phương đã có văn bản trả lời không thể tham gia Liên hoan và không nêu rõ lý do.

Đó là chưa kể, nếu nhìn tổng thể các Liên hoan ca trù toàn quốc đã từng diễn ra cũng thật hẩm hiu. Số người quan tâm không nhiều, đào nương, đàn kép không thuộc lời, thể cách ca trù vẫn thường xuyên xảy ra. Ở Hà Nội, sau 2 lần tổ chức liên hoan cũng chưa thể xếp lịch cho lần thứ 3.

"Vĩnh Phúc và Nam Định không cử các câu lạc bộ tham gia Liên hoan là một điều rất đáng buồn. 2 địa phương này cùng với 13 tỉnh, TP khác cùng có trách nhiệm tham gia chương trình hành động quốc gia bảo tồn và phát huy giá trị di sản ca trù. Do đó, tham gia Liên hoan không thể là việc thích thì làm, không thích thì thôi." - Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan  - Trưởng Ban tổ chức, Tổng đạo diễn Liên hoan ca trù toàn quốc 2018

Đánh giá về vấn đề này, nhiều nhạc sĩ cho rằng đó là do nhận thức của những nhà quản lý văn hóa. Khi giới thiệu với bạn bè quốc tế, nhiều nhà quản lý di sản tại các tỉnh tự hào tung hô “Địa phương tôi có hát ca trù. Ca trù của Việt Nam là kiệt tác nhân loại” nhưng khi có các hoạt động nghệ thuật về ca trù được Nhà nước đứng ra tổ chức, đại diện các tỉnh lại không phản hồi, không tham gia.

Di sản tỉnh nào, tỉnh đó bảo vệ

Qua thực tế hiện nay cho thấy, có hiện tượng “địa phương hóa chủ nghĩa”, nghĩa là những di sản văn hóa nào thuộc tỉnh sẽ được quan tâm, bảo vệ, phát triển. Đơn cử như hát quan họ, tỉnh Bắc Ninh triển khai riêng một đề án, đầu tư hàng chục tỷ đồng, quyết tâm bảo tồn phát huy giá trị của địa phương. Tương tự còn có hát Xoan – Phú Thọ, hát Ví Dặm – Nghệ An, Hà Tĩnh.

Hiện nay, các nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa tại các tỉnh đang có nhiều ý kiến trái chiều trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản hát ca trù. Có quan điểm phải bảo vệ nguyên vẹn, thứ hai là muốn bảo tồn đi đôi với phát huy. “Hai ý kiến đấy làm họ lúng túng, chưa có quyết sách về vấn đề này. Quan điểm của tôi là bảo tồn chặt chẽ, phát triển mạnh mẽ, không thể nhảy lò cò được. Chúng ta phải có biện pháp để vừa bảo tồn, vừa phát triển và muốn làm được điều đó phải có nhận thức văn hóa tốt” – nhạc sĩ Đặng Hoành Loan cho biết.

Bên cạnh đó, khó khăn chung của các tỉnh hiện nay là không có nghệ nhân nên phải mời các nghệ sĩ hiện nay về dạy lại cho các em nhỏ. Nhiều ý kiến lo ngại, việc các tổ chức truyền dạy lại non kém sẽ làm mai một nét đẹp của di sản hát ca trù. Mục tiêu đưa di sản hát ca trù từ danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp sang danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại gặp nhiều khó khăn.