Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thỏa thuận giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ: Giá trị nhân đạo đánh đổi bằng kinh tế?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau một tuần có hiệu lực, thỏa thuận giữa Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm giảm bớt dòng người kỷ lục đang đổ về Lục địa già dường như vẫn chưa phát huy được tác dụng: 13 người bị trục xuất “nhầm”, và lượng người đổ tới châu Âu vẫn lớn hơn số người bị trả về.

Việc 13 người di cư đến châu Âu bị trục xuất “nhầm” đã làm dấy lên những câu hỏi về tính khách quan và hiệu quả của thỏa thuận “bạc tỷ” giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ. Trước đó, EU và Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được một thỏa thuận lịch sử rằng, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trở thành “chiếc đập” ngăn làn sóng người di cư tới Hy Lạp - vốn là cửa ngõ đi vào các quốc gia châu Âu. Đổi lại, Ankara nhận được khoản vốn trị giá 6 tỷ USD để trang trải điều kiện sống cho những người di cư bị trục xuất trở lại.
Những người di cư bị trục xuất về Thổ Nhĩ Kỳ sau thỏa thuận lịch sử EU - Thổ Nhĩ Kỳ.
Những người di cư bị trục xuất về Thổ Nhĩ Kỳ sau thỏa thuận lịch sử EU - Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, theo cơ quan Liên Hợp quốc (LHQ) về người di cư, cảnh sát Hy Lạp đã “quên” xử lý hồ sơ di cư của 13 trong số 202 người tị nạn bị chuyển về Thổ Nhĩ Kỳ trong ngày đầu tiên thỏa thuận đi vào hiệu lực. Do thiếu sót của cảnh sát Hy Lạp, 13 người Afghanistan và Congo này bị trục xuất về Thổ Nhĩ Kỳ khi đơn đăng ký chưa được xử lý. Giới chức EU tiếp tục né tránh khi được hỏi về quá trình điều tra vụ việc này. Nếu đúng theo cáo buộc của LHQ, thông tin này sẽ làm xói mòn lòng tin vào thỏa thuận di cư vừa đạt được giữa EU và Ankara. Thực tế, cho đến khi thỏa thuận này đi vào hiệu lực, chính quyền các nước vẫn rất “kín tiếng” về tiến trình tiến hành trục xuất người di cư.

Dư luận hoàn toàn có quyền hoài nghi về tính hiệu quả của thỏa thuận này, khi đại diện Tổ chức Ân xá quốc tế cho biết, chỉ có  một quan chức giải quyết các đơn xin tị nạn trên đảo Chios, Hy Lạp. Vị quan chức này mới chỉ xử lý được 10/833 đơn đã nộp. Tính cho đến nay, ước tính, số lượng người di cư tới Hy Lạp (228) vẫn lớn hơn lượng người bị chuyển về Thổ Nhĩ Kỳ (202).

Trong khi thỏa thuận này chưa chắc có thành công trong việc ngăn chặn làn sóng người di cư vào EU hay không, các cơ quan nhân đạo đã cảnh báo, người di cư có khả năng thay đổi tuyến đường để trốn tránh việc bị cấm nhập cảnh vào châu Âu. Hàng nghìn người có thể đổi lộ trình, chạy trốn đến phía Tây châu Âu, dồn cuộc khủng hoảng này tạo ra một “nút cổ chai” khác.

Không những vậy, thỏa thuận EU - Thổ Nhĩ Kỳ đang gặp phải sự lên án gay gắt của các tổ chức nhân đạo. “Việc “gửi trả” một cá nhân từ quốc gia này đến quốc gia khác mà không giải thích rõ các biện pháp bảo vệ người tị nạn là vi phạm luật quốc tế” - đại diện Cao ủy LHQ về người tị nạn Filippo Grandi phát biểu. Nhóm Xã hội Pháp chỉ trích chính sách của EU là “thực dụng" và các quốc gia thành viên EU sẵn sàng chà đạp lên những nguyên tắc để đi đến một kết quả “đáng xấu hổ” với Thổ Nhĩ Kỳ. Nhiều người đặt câu hỏi, phải chăng giá trị nhân đạo của châu Âu có thể thương lượng được bằng tiền, khi EU quyết định biến một quốc gia khác thành nơi hứng chịu các hệ lụy từ cuộc khủng hoảng di cư, với sự trao đổi bằng tiền.