Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thoái vốn 10 doanh nghiệp lớn không phải vì mục tiêu ngân sách

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính phủ mới có quyết định cho phép Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thoái toàn bộ vốn tại 10 doanh nghiệp Nhà nước.

Trong số này có nhiều “ông lớn” đang hoạt động hiệu quả, mang lại lợi nhuận lớn như FPT, Vinamilk đã khiến dư luận thực sự quan tâm.

Phóng viên đã ghi nhận ý kiến của các chuyên gia kinh tế, nhà quản lý nhằm làm rõ hơn những vấn đề xoay quanh việc thoái vốn.
FPT là một trong 10 doanh nghiệp Nhà nước thoái vốn. (Nguồn: fptdc.com)
FPT là một trong 10 doanh nghiệp Nhà nước thoái vốn. (Nguồn: fptdc.com)
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, quyết định thoái vốn các doanh nghiệp lớn như Vinamil, FPT hay nhựa Bình Minh không hẳn là quyết định tự thân của SCIC, mà đây là do áp lực từ phía trên khi có những nhận định trong thời gian qua chủ yếu thoái vốn ở những doanh nghiệp làm ăn một cách bình thường, thậm chí những doanh nghiệp thua lỗ hay chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán.

"Lần này chúng ta quyết tâm thoái vốn ở những doanh nghiệp Nhà nước. Có thể nói, thứ nhất, quy mô rất lớn; thứ hai, đóng vai trò rất quan trọng trên thị trường," ông Ánh nhấn mạnh.

Quan trọng nhất là thông qua việc SCIC thoái vốn khỏi một số doanh nghiệp Nhà nước đang làm ăn có hiệu quả và đang có lợi nhuận lớn trong thời gian gần đây, ít nhất trong ngắn hạn sẽ cải thiện được thị trường tài chính.

Quan trọng hơn về mặt trung và dài hạn sẽ giúp chúng ta xác lập một cách rõ ràng hơn về vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế nói chung cũng như vai trò của một nhà đầu tư vào các doanh nghiệp, cũng như vào các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế.

Mỗi một doanh nghiệp Việt Nam trước bối cảnh hội nhập, cần tự đánh giá doanh nghiệp của mình, xác định một cách rõ ràng, lợi thế cạnh tranh, cả về cạnh tranh tương đối và cạnh tranh tuyệt đối của doanh nghiệp mình là gì? Và, nếu không tận dụng được cơ hội thì rất nhiều khi cơ hội lại biến thành thách thức và ngược lại những thách thức mà vượt qua được lại trở thành những cơ hội tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục phó Cục Tài chính doanh nghiệp của Bộ Tài chính cho biết trong Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp quy định, doanh nghiệp sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận còn lại nộp ngân sách Nhà nước, SCIC là doanh nghiệp Nhà nước nên lợi nhuận của đơn vị này cũng phải thực hiện theo quy định của Luật.

Việc SCIC thoái vốn khỏi 10 doanh nghiệp lớn không phải vì mục tiêu ngân sách nhà nước như nhiều ý kiến mà điều này nằm trong kế hoạch thực hiện định hướng của Chính phủ là thoái vốn ở những lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ theo quy định của Luật trên.

Nợ công và ngân sách là những vấn đề đã được quy định tại Luật riêng và có giải pháp khác. Cụ thể, về nợ công, đầu năm nay, Chính phủ đã ra chỉ thị phải siết chặt quy trình đánh giá và giảm bớt bảo lãnh Chính phủ, chỉ những lĩnh vực Nhà nước cần nắm giữ như an sinh xã hội hoặc những lĩnh vực không tạo ra lợi nhuận, Nhà nước sẽ phải đứng ra bảo lãnh.

Về ngân sách, vấn đề quan trọng là tạo ra khuôn khổ pháp lý để cải thiện môi trường kinh doanh, đảm bảo minh bạch để doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn, nộp thuế nhiều hơn. Thực tế trong thời gian qua, một số loại thuế đã được cắt, giảm, nguồn thu vẫn đảm bảo.

Còn ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (Ciem) cho biết ông hoan nghênh và hoàn toàn ủng hộ việc Thủ tướng Chính phủ cho phép thoái vốn tại 10 doanh nghiệp lớn vừa qua. Đây là những doanh nghiệp mà Nhà nước không cần phải nắm giữ vốn.

​Ông cho rằng đây là bước ngoặt khi Chính phủ đã thay đổi tư duy về vai trò của Nhà nước tại các doanh nghiệp Nhà nước. Làm đúng chức năng nhiệm vụ của Nhà nước không thực hiện nhiệm vụ kinh doanh, tạo cơ hội cho khu vực tư nhân và những đối tượng khác.

​Theo ông đây là điểm mới và hoàn toàn ủng hộ, trước hết là về chủ trương mặc dù biết việc triển khai này không phải là dễ dàng.