Ông Đinh Xuân Vinh (55 tuổi) ở thôn 9, xã Ba Trại là người có thâm niên hơn 20 năm trong nghề nuôi ong. Năm 1978, sau khi xuất ngũ, ông bắt tay vào làm kinh tế. Với diện tích gần 8 sào vườn đồi, ông quyết định trồng chè cộng thêm chăn nuôi nhưng hiệu quả kinh tế không ổn định. Năm 1990, ông chuyển sang nuôi ong. Đến nay, gia đình ông thường xuyên nuôi 70 đàn (thùng) ong, mỗi năm cho thu hoạch khoảng 800 lít mật, trừ chi phí, ông thu lãi khoảng 70 triệu đồng.
Ông Đinh Xuân Vinh đang kiểm tra đàn ong của gia đình.
Ông Vinh cho biết, nuôi ong là một quyết định đúng đắn, bởi nó tận dụng được hết những yếu tố có sẵn ở vùng đồi gò. Mật ong bắt đầu cho khai thác từ tháng 3 đến hết tháng 6 hàng năm. Do vậy, đàn ong có thể tận dụng được các mùa hoa như: hoa nhãn, hoa vải, hoa keo và mật hoa rừng… Sau đợt khai thác mật chính, đến tháng 8, ông Vinh bắt đầu nhân giống đàn ong. Từ 70 đàn ong giống ban đầu, sau 3 tháng ông có thể nhân lên được hơn 200 đàn. Với mỗi đàn ong gây được, ông có thể xuất bán với giá 120.000 đồng và thu thêm khoảng 45 triệu đồng.
Đặc biệt, từ năm 2008, các hộ gia đình nuôi ong tại ba xã: Khánh Thượng, Minh Quang, Ba Trại đã thành lập Câu lạc bộ nuôi ong Ba Vì nhằm liên kết các hộ với nhau. Các thành viên thường xuyên họp mặt, trao đổi các kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc ong, đảm bảo chất lượng mật và hình thành thương hiệu mật ong Ba Vì. Hiện tại, Câu lạc bộ có hơn 50 thành viên ở nhiều lứa tuổi. Ông Đinh Ngọc Thức (64 tuổi), thương binh hạng 4/4 ở thôn Di, xã Minh Quang, một trong những người sáng lập ra Câu lạc bộ cho biết: Năm nay, sản lượng mật ong của cả Câu lạc bộ ước tính đạt hơn 50.000 lít, trong tương lai con số này sẽ còn tăng lên khi tổng đàn ong cùng số lượng thành viên đều tăng.