Lực hút đầu tư
Với dân số đang dần tiệm cận mốc 100 triệu, Việt Nam được đánh giá là thị trường mới nổi đầy tiềm năng. Theo Diễn đàn về phát triển kinh tế Việt Nam – Đài Loan (Trung Quốc) năm 2015, một trong những điểm mạnh của Việt Nam là có tới 65% dân số dưới độ tuổi 35, cơ cấu dân số vàng với trên 78% dân số trên tuổi 15 đang tham gia làm kinh tế. Mức thu nhập thấp nhất trên đầu người dù mới chỉ khoảng 140 USD/tháng nhưng đang tăng trưởng khoảng 15%/năm, Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư vẫn là “vùng trũng” của kinh doanh bán lẻ tiêu dùng.
Đầu 2015, CBRE đã công bố Việt Nam lọt top đầu thị trường bán lẻ tiềm năng và sôi động nhất khu vực. Khả năng thích nghi với cái mới, sẵn sàng tiếp nhận và thay đổi của lực lượng tích lũy lao động thuộc nhóm trẻ (20 - 40 tuổi) là bệ phóng cho nhiều ngành hàng tiêu dùng cất cánh. Đơn cử với ngành bán lẻ điện tử, cho thấy tốc độ tăng trưởng năm 2014 đã đạt trên 2 con số, lần lượt với 24% và 36% cho bán lẻ điện thoại và điện thoại thông minh (thống kê của VPBS).
Theo Euromonitor, tổng quy mô thị trường bán lẻ thực của Việt Nam năm 2011 là 29 tỷ USD. Nhưng dự tính đến năm 2016, quy mô này sẽ đạt xấp xỉ 34 tỷ USD, tương ứng với mức độ tăng trưởng chi tiêu của người dân (CAGR) sẽ đạt tới trên 8%, Việt Nam sẽ thuộc hàng top các quốc gia hứa hẹn có tỷ trọng tiêu dùng nhiều nhất thế giới.
“Phủ sóng” đón “gió mới”
Hiện nay, cả nước có gần 700 siêu thị, khoảng 130 trung tâm thương mại (TTTM) và hơn 1.000 cửa hàng tiện ích. Xét trên tổng mức thị trường bán lẻ, tuy thị trường bán lẻ tăng trưởng mạnh, sự đóng góp thị phần của các kênh bán lẻ hiện đại mới chỉ chiếm 25%. Mục tiêu phát triển thị trường bán lẻ hiện đại đến năm 2020, theo Bộ Công Thương, sẽ đạt đến 1.300 siêu thị và khoảng 350 TTTM.
Gia tăng “phủ sóng” các TTTM hiện đại đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng là động thái của nhiều DN trong nước cũng như các tập đoàn bán lẻ quốc tế đón đầu những thời cơ mới. Điển hình của chiến lược này chính là Vincom Retail – chủ đầu tư chuỗi TTTM Vincom. Hệ thống Vincom đã liên tục phát triển các TTTM mới trong giai đoạn chiến lược 2015 – 2016 với cấp số nhân. Theo công bố của Vincom Retail, riêng trong khoảng thời gian từ tháng 12/2015 - 4/2016, Vincom sẽ liên tục khai trương tại các thị trường trọng điểm như Việt Trì (Phú Thọ); Thảo Điền (TP Hồ Chí Minh); An Giang (Long Xuyên); Buôn Ma Thuột; Thái Bình và Thừa Thiên - Huế…
Với những thương hiệu đi theo chuỗi như siêu thị VinMart, điện máy VinPro, SportWorld, BeautyZone, Fashion MegaStore, ShoeCenter, rạp chiếu phim, khu vui chơi giáo dục trẻ em…, các dự án của Vincom luôn đạt được kỳ vọng cao từ thị trường khi đem đến mô hình one-stop - shopping sẽ đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam và thị trường hội nhập AEC.
Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan – Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, nhìn chung, cơ hội của thị trường bán lẻ Việt Nam rất khả quan. Còn theo ông Đỗ Thanh Năm - chuyên gia Tư vấn Chiến lược DN: “Với những công ty uy tín và có tiềm lực đầu tư lớn, việc sở hữu hệ thống phân phối bao gồm mô hình phát triển bán lẻ hiện đại tích hợp qua kênh TTTM, cửa hàng tiện lợi… chính là “chìa khóa tận dụng cơ hội giúp họ giành chiến thắng”.