Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thời của gói kích cầu đã hết?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Gói kích thích kinh tế lần một chúng ta đã nhìn thấy rất rõ, khoảng 20% doanh nghiệp nhận được nguồn hỗ trợ, tạo ra sự bất bình đẳng trong cạnh tranh.

KTĐT - Gói kích thích kinh tế lần một chúng ta đã nhìn thấy rất rõ, khoảng 20% doanh nghiệp nhận được nguồn hỗ trợ, tạo ra sự bất bình đẳng trong cạnh tranh.

Ông Trần Du Lịch - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM cho rằng kinh tế VN đã bước vào giai đoạn tái cấu trúc nên cần giải pháp kích thích hợp lý. Nếu triển khai tiếp gói kích cầu thứ 2 có thể sẽ khiến thị trường bị méo mó.

Tiến sĩ Trần Du Lịch - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội kiêm Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế TP HCM có buổi trao đổi với báo giới tại phiên thảo luận tổ Dự án Luật Thuế Tài nguyên sáng nay.

- Quan điểm của ông thế nào về gói kích cầu kinh tế thứ 2?

- Nền kinh tế đã qua giai đoạn khủng hoảng và đang bước vào thời kỳ mới nên cần có giải pháp mới. Gói kích cầu chỉ mang tính giải cứu nhất thời, nếu kéo dài sẽ lợi bất cập hại, có thể làm méo mó thị trường.

Gói kích thích kinh tế lần một chúng ta đã nhìn thấy rất rõ, khoảng 20% doanh nghiệp nhận được nguồn hỗ trợ, tạo ra sự bất bình đẳng trong cạnh tranh. Việc bù lãi suất của chúng ta đã phát sinh hiện tượng doanh nghiệp găm giữ đôla, vay tiền đồng, hưởng lãi suất thấp, tạo khan hiếm đôla giả tạo.

Do đó, nếu chúng ta tiếp tục kéo dài chính sách hỗ trợ lãi suất sẽ khiến tín hiệu thị trường bị méo mó, kiểm soát vòng xoay của đồng tiền bị chệch hướng.

Quan điểm của tôi là không nên có gói kích cầu thứ 2. Thời của các gói kích cầu đã hết, chúng ta nên triển khai gói giải pháp tái cấu trúc lại nền kinh tế. Trong đó, cần tập trung các khoản hỗ trợ lãi suất cho các dự án đầu tư trung hạn, các ngành nghề, lĩnh vực kinh tế trọng điểm.

- Ông đánh giá như thế nào về đề án "Tái cấu trúc nền kinh tế" do Chính phủ đề xuất?

- Chúng tôi mới nhận được đề án sơ thảo của Chính phủ nên chưa có đánh giá cụ thể. Tuy nhiên, đề án này cũng xoay quanh 8 vấn đề chủ yếu mà Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc đã trình bày trong phiên họp trước, trong đó có giải pháp tái cấu trúc doanh nghiệp, thị trường, ngành nghề sản phẩm, chính sách đầu tư, tài chính, kể cả mô hình tăng trưởng. Cái này sẽ được đưa ra bàn bạc cụ thể vào thời điểm cuối năm.

- Báo cáo trước Quốc hội, Chính phủ khẳng định kinh tế VN đã qua giai đoạn khó khăn nhất, như vậy, chúng ta đã có thể thở phào?

- Cần phải hiểu nhận định của Chính phủ từ 2 khía cạnh: Tăng trưởng đã chạm và đang lên, không có đáy thứ 2; Nguy cơ bất ổn về hệ thống tài chính đã qua và đã ổn định. Tôi cho rằng chưa thể vội mừng, khó khăn sắp tới sẽ khác với những gì chúng ta đã trải qua và cần một liều thuốc khác. Cả thế giới đang chuyển hướng sang thời kỳ hậu khủng hoảng, châm ngòi một cuộc chạy đua tái cấu trúc, thị trường cạnh tranh theo một khía cạnh mới. Nguy cơ tái lạm phát cao do chính sách nới lỏng tiền tệ. Chúng ta còn nhiều việc phải làm, nên cái khó này nối tiếp cái khó khác, không khó nào giống khó nào.

- Điều ông lo lắng nhất hiện nay là gì?

- Cái nào cũng lo. Tuy nhiên, có thể nhận thấy hai mối lo lớn nhất là suy giảm kinh tế và bất ổn vĩ mô, chúng ta đã giải quyết rồi, còn những vấn đề khác đang ở trước mắt. Nói chung cái khó nối tiếp cái khó, đòi hỏi chúng ta phải liên tục phải tìm các giải pháp tháo gỡ.

Trong báo cáo của Chính phủ cũng đã nói rõ. Kinh tế VN đang trên đà phục hồi và mục tiêu GDP 6,5% đặt ra cho năm sau là nằm trong tầm tay.

- Ủy ban Tài chính Ngân sách vừa đề xuất xét lại các khoản chi cho tập đoàn kinh tế và các tổng công ty Nhà nước. Ý kiến ông thế nào?

- Hiện nay tất cả các tập đoàn đều sử dụng vốn Nhà nước mà không phải trả lợi tức, ngoại trừ thuế. Về nguyên tắc vốn Nhà nước giao cho các tập đoàn để thực hiện vai trò phát triển kinh tế xã hội thì cứ theo đó mà làm, không nên sử dụng vốn vào những mục đích khác.

Tôi đồng tình với Ủy ban Tài chính Ngân sách rằng các khoản nào Chính phủ muốn chi cần phải đưa vào dự toán ngân sách và giải trình rõ ràng chứ không nói chung chung. Chúng tôi đang chờ báo cáo từ Chính phủ và cơ quan giám sát trước khi có đánh giá cụ thể.

- Thời gian qua, dư luận cũng nói nhiều về chuyện doanh nghiệp đầu tư ngoài ngành, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Tôi cho rằng cần phải rà soát lại các khoản vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty lớn. Nhà nước "đẻ" ra để thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội của quốc gia, Chính phủ không lấy một đồng lãi nào, do đó, anh phải bám sát chức năng nhiệm vụ của mình, không nên đem vốn nhà nước kinh doanh ngoài ngành, lĩnh vực được giao. Còn đơn vị nào kinh doanh ngoài ngành thì không phải mâu thuẫn với lĩnh vực đầu tư chính.

Tôi đề nghị cần có một cái khung quy định cụ thể liên quan đến đầu tư để tập đoàn không đem vốn nhà nước đi đầu tư ngoài ngành.

- Kết quả kiểm toán cho thấy, nhiều tập đoàn kinh doanh ngoài ngành đang lãi và có thể bù lỗ cho các lĩnh vực chính được Nhà nước giao nhiều vụ đầu tư?

- Nếu kinh doanh ngoài ngành có lãi, Nhà nước sẽ thu một phần lợi nhuận này. Tôi cho rằng Nhà nước cần phải phân biệt rõ: Các tập đoàn muốn gì, muốn đầu tư tài chính kiếm lời hay thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước giao. Cái này cần làm rõ không được nhập nhằng. Đã đến lúc chúng ta cần phải tổ chức lại Tập đoàn Đầu tư Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) để kiểm soát khoản vốn Nhà nước. Cần phải xác định rõ, sinh anh ra để làm gì, cái gì SCIC làm được, cái gì chưa, vấn đề nào còn tồn tại để khắc phục.