Sự khởi đầu ấy sẽ thật khó khăn bởi di sản phát triển mà thời trước để lại có hai mặt của nó. Phát huy những thành tựu phát triển của thời trước là việc đã khó, khắc phục những mặt trái của sự phát triển trong thời cũ còn khó khăn hơn nhiều. Phát triển bền vững vì thế được coi là giải pháp cho thời kỳ tới. Cả về lý thuyết lẫn trên thực tiễn, giải pháp này không mới mẻ gì.
Việc Trung Quốc giờ đặt trọng tâm ưu tiên cho tính bền vững của tăng trưởng lên trên mục tiêu tăng cường tăng trưởng báo hiệu thời kỳ chủ định phát triển kinh tế bằng mọi giá đã kết thúc.
Chống tham nhũng và nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý của bộ máy công quyền được nhìn nhận như một trong những tiêu chí hàng đầu đối với thành công của ban lãnh đạo mới trong thời kỳ mới ở Trung Quốc. Tập trung ưu tiên cao hơn cho việc giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường được coi là khối giải pháp then chốt. Nếu không nhanh chóng khắc phục được tình trạng mất cân đối về phát triển trên mọi phương diện giữa các vùng trên đất nước và các thành phần trong cơ cấu kinh tế thì những vấn đề chính trị - xã hội và môi trường sinh thái sẽ trở nên còn sâu sắc hơn và đe doạ toàn bộ sự phát triển chung của cả đất nước.
Có không ít ý kiến cho rằng, nếu không nhanh chóng có sự thay đổi cơ bản về tư duy phát triển và cách tiếp cận giải pháp cho những khó khăn và thách thức hiện tại thì Trung Quốc đang vấp phải trở ngại là giới hạn của tăng trưởng. Những mất cân đối trong phát triển, lỗi thời và bất cập trong chính sách nếu không được khắc phục kịp thời và triệt để thì sẽ không thể loại trừ được hết những nguy cơ và rủi ro tiềm ẩn phía sau của mọi thành tựu phát triển. Mở ra thời kỳ mới, Trung Quốc nay đang phải giải chính bài toán khó ấy.