Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thời thế thôi thúc thế

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông tin về việc chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Triều Tiên gây bất ngờ trên phương diện thời điểm.

Nó được Trung Quốc công bố chỉ vài ngày trước khi chuyến thăm được thực hiện và ông Tập Cận Bình thăm Triều Tiên chỉ một tuần trước khi tham dự hội nghị cấp cao thường niên năm nay của nhóm G20 tổ chức tại thành phố Osaka của Nhật Bản. Ngay sau khi Trung Quốc công bố chuyến công du này của ông Tập Cận Bình, tổng thống Mỹ Donald Trump hoan hỉ đưa tin về cuộc điện đàm với ông Tập Cận Bình và loan báo là hai người sẽ gặp nhau ờ Osaka - như năm ngoái đã gặp nhau dịp hội nghị cấp cao thường niên của nhóm G20 ở Argentina. Ông Tập Cận Bình đồng ý đi Triều Tiên có phần cập rập và gấp rút vì quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên, vì những chuyện chính trị an ninh trên bán đảo Triều Tiên và ở khu vực Đông Bắc Á liên quan trực tiếp đến Triều Tiên, nhưng chắc chắn đồng thời cũng còn vì cuộc gặp sắp tới với ông Trump ở Osaka.

 Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. 

Ông Tập Cận Bình đảm trách cương vị quyền lực cao nhất ở Trung Quốc năm 2012. Ở Triều Tiên, ông Kim Jong-un kế nghiệp cha năm 2011. Ông Kim Jong-un đã 4 lần tới Bắc Kinh gặp ông Tập Cận Bình trong khi ông Tập Cận Bình chưa lần nào tới thăm Triều Tiên. Năm 2005, tức là cách đây 14 năm, là lần cuối cùng có người đứng đầu Đảng Cộng sản Trung Quốc và nhà nước Trung Quốc tới thăm Triều Tiên. Qua đó có thể thấy được là mối quan hệ giữa hai nước láng giềng của nhau này không được hoàn toàn tốt đẹp trong khoảng thời gian không phải là ngắn và vì thế chuyến thăm Triều Tiên này của ông Tập Cận Bình quan trọng đến mức nào đối với cả Triều Tiên lẫn Trung Quốc.

Ông Kim Jong-un đã mời ông Tập Cận Bình sang thăm Triều Tiên từ năm ngoái nhưng đâu đã được đón khách quý. Chính thời cuộc hiện tại đã thôi thúc ông Tập Cận Bình thực hiện chuyến thăm Triều Tiên này.

Không khó khăn gì để nhận thấy Triều Tiên phải dựa cậy như thế nào từ trước tới nay, hiện tại cũng như cả trong tương lai nữa vào Trung Quốc và vì thế việc đón tiếp ông Tập Cận Bình sang thăm rất quan trọng và rất đắc dụng đối với Triều Tiên.

Trung Quốc hiện đang bị Mỹ gây khó về kinh tế và thương mại cũng như thách thức gần như toàn diện ở tầm chiến lược. Trung Quốc phải đối phó bằng nhiều biện pháp chính sách và phải sử dụng nhiều con chủ bài để đáp trả Mỹ. Triều Tiên và Mỹ đã khởi động tiến trình đàm phán hoà bình và hoà giải, đạt được tiến triển nhất định nhưng hiện bị dậm chân tại chỗ. Trong khi ông Kim Jong-un cần tác động từ các đối tác bên ngoài và đối trọng như Trung Quốc và Nga thì ông Trump cũng cần bước tiến mới của tiến trình này phục vụ cho mục tiêu được tái đắc cử tổng thống Mỹ năm 2020. Cả hai hiện đều cần đến vai trò và ảnh hưởng, tác động và cả sự can dự ở mức độ thích hợp của Trung Quốc. Quá trình đàm phán hoà bình và hoà giải song phương giữa Mỹ và Triều Tiên cũng như giữa Triều Tiên và Hàn Quốc càng trắc trở và trì trệ thì cả ba đối tác này đều càng cần đến Trung Quốc hơn. Ông Tập Cận Bình không phải không biết điều ấy mà chẳng qua vẫn chờ đúng thời điểm để ra đòn mà thôi. Tung đòn đúng mức độ vào đúng thời điểm nhằm đúng đối tượng thì mới giành về được hiệu ứng cao nhất.

Bây giờ xem ra thời điểm ấy đã đến với Trung Quốc bởi Trung Quốc có thể sử dụng nó nhằm đồng thời được vào cả Mỹ lẫn Triều Tiên, vào Hàn Quốc lẫn các đối tác khác. Thời thế hiện tại thúc ép ông Tập Cận Bình phải đi Triều Tiên để có chắc trong tay con chủ bài mới cho cuộc gặp với ông Trump ở Osaka, để xác lập vai trò của Trung Quốc trong quá trình hoà bình và hoà giải giữa Triều Tiên với Mỹ và với Hàn Quốc. Trung Quốc không để cho bị gạt ra ngoài lề hai tiến trình này nữa và đồng thời thể hiện rõ là từ nay không ai còn có thể phớt lờ hay bất chấp được Trung Quốc. Cho nên sự xấu đi và trắc trở thêm trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như sự nồng ấm và thân thiết hơn giữa Trung Quốc và Triều Tiên từ nay sẽ tác động mạnh mẽ trực tiếp đến diễn biến tới đây của quá trình hoà bình và hoà giải giữa Triều Tiên với Mỹ và với Hàn Quốc.