Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thời tiết cực đoan - Thách thức đối với đô thị ven biển

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Thời tiết cực đoan, điển hình là mưa cực đoan với mật độ lớn trong thời gian ngắn, kèm theo đó là sạt lở, lũ lụt dọc theo các sông đang là thách thức lớn đối với đô thị ven biển khu vực Nam Trung bộ.

Những năm gần đây, các đô thị ven biển khu vực Nam Trung bộ liên tục hứng chịu tình trạng ngập lụt nghiêm trọng, gây thiệt hại nặng nề và ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội. Tăng trưởng kinh tế chính là gốc rễ và là yếu tố làm gia tăng thời tiết cực đoan, lũ lụt, thiên tai ngày càng khốc liệt hơn.

Mưa cực đoan vượt ngưỡng chịu đựng của hạ tầng

Chuyên gia nghiên cứu về biến đổi khí hậu -Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy cho rằng, các đô thị đang bị tổn thương hầu hết đều gia tăng về hạ tầng, kể cả hạ tầng ứng phó. Song, tính hiệu quả các công trình, nhất là hạ tầng ứng phó với thiên tai chưa hiệu quả như kỳ vọng.

Chuyên gia nghiên cứu về biến đổi khí hậu -Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy.
Chuyên gia nghiên cứu về biến đổi khí hậu -Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy.

Lý giải điều này, ông Huy chỉ ra các đô thị hiện tại xây dựng ken đặc, quỹ đất dành cho thoát lũ, trữ nước khi có mưa lớn dần bị thu hẹp. Trong khi đó, hệ thống thoát nước đô thị tại một số nơi chưa hoàn thiện. 

"Qua ghi nhận tại nhiều nơi lượng mưa đo được trong một ngày lên tới 700 hoặc cao hơn, bằng một năm của tỉnh khác. Mưa xối xả như vậy thì hạ tầng nào chịu đựng được. Từ đó, gây ra ngập úng, lũ lụt", ông Huy nêu thực trạng.

 

Theo Chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi Trà Thanh Danh, có 3 nhóm rủi ro đối với đô thị gồm: các hiện tượng cực đoan của thiên nhiên, các hiện tượng rối loạn trong hoạt động của bộ máy sản xuất và vận hành đô thị, tội phạm đô thị. "Việc quản trị rủi ro đô thị cần được đặt trong một tầm nhìn xa hơn so với công tác ứng phó với những gì đã xảy ra và cần gắn bó một cách chặt chẽ với tiến trình đô thị hóa. Để đạt được mục tiêu đó, công tác quản lý rủi ro phải được đặt trong tất cả các kế hoạch phát triển của đô thị, từ hạ tầng kỹ thuật đến xã hội, đến không gian đô thị”, ông Danh nói.

Ông Huy cũng đặt câu hỏi, trong quy hoạch xây dựng hạ tầng, các địa phương đã xây dựng kịch bản cho đầu tư hạ tầng tương thích với thời tiết cực đoan hay chưa? Bởi thời tiết cực đoan đã phơi bày nhiều sự thật ở các đô thị. 

Do đó, trong giai đoạn này, trong quá trình lập quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, các địa phương nên cân nhắc xây dựng và đưa kịch bản này vào quy hoạch.

“Đối với Quảng Ngãi, tỉnh đã có nghiên cứu lịch sử thiên tai, có bản đồ ngập lụt nhưng chưa có kịch bản ứng phó thời tiết cực đoan trong tương lai, có kịch bản này mới có thể xây dựng hạ tầng tương ứng. Tôi cũng đưa ra khuyến nghị, các địa phương cần đưa kịch bản cực đoan vào trong quy hoạch của mình. Khi quy hoạch đô thị cần có cái nhìn đa chiều, nhìn về quá khứ, nhìn nguồn tài nguyên và đặt vào bối cảnh tương lai của biến đổi khí hậu”, ông Huy nói.

Bên cạnh mưa lũ, ông Huy cũng chỉ ra hình thái thời tiết cực đoan vào mùa hè khi nhiệt độ tăng cao, có nơi tăng lên trên 42 độ C. Thế nên, việc quy hoạch xây dựng đô thị cũng cần tính đến các tiện ích cho người dân trong thời điểm này.

Không nên phát triển nhiều dự án khu dân cư dọc sông

Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch miền Nam - Kiến trúc sư Lê Quốc Hùng nhận định, thời gian gần đây, chính quyền các đô thị đã quan tâm nhiều hơn đến ứng phó với thời tiết cực đoan, gây ảnh hưởng đến đời sống và phát triển kinh tế, xã hội, song kết quả vẫn chưa được như mong muốn.

Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch miền Nam - Kiến trúc sư Lê Quốc Hùng.
Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch miền Nam - Kiến trúc sư Lê Quốc Hùng.

Theo ông Hùng, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập lụt, sạt lở ở các đô thị miền Trung. Trong đó, có việc quy hoạch chưa phù hợp, công tác quản lý trật tự xây dựng còn những bất cập, việc triển khai xây dựng các công trình, dự án để chống ngập, chống sạt lở… hiệu quả chưa cao.

Cụ thể hơn, ông Hùng dẫn chứng, hiện tại các đô thị ven biển có sông lớn đi qua, đa phần các địa phương đều xây dựng bờ kè kiên cố. Phía bên trên đỉnh kè là hệ thống đường giao thông và lùi vào bên trong chỉ giới giao thông là nhà dân áp sát ra.

"Một dòng sông có lưu vực chảy rất lớn, sự hình thành các dòng sông thuận theo tự nhiên cùng sự dịch chuyển dòng chảy. Nhưng nếu xây dựng kè và các công trình hạ tầng khác ngay bên cạnh thì lưu vực sông bị bó hẹp lại, một khi mực nước từ thượng nguồn đổ về lớn, nước không thoát ra biển kịp thì dâng lên tràn vào các khu dân cư gây ra ngập lụt", ông Hùng phân tích.

 

Theo Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam- Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Việt Nam là một quốc gia biển với chiều dài bờ biển 3.260km, 28 tỉnh, thành có biển và 10 đô thị biển. Các đô thị ven biển có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của cả nước. Tuy nhiên, vấn đề biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, sạt lở đô thị ven biển, ở miền núi. Nhiều sông lớn của Quảng Ngãi và Nam Trung bộ chịu ảnh hưởng rất lớn của biến đổi khí hậu. Do vậy, cần có giải pháp quản trị rủi ro và phòng chống thiên tai cho đô thị ven biển.

Ông Hùng cũng cho rằng, để chống ngập lụt đạt hiệu quả bền vững, trong quy hoạch các đô thị ven biển cần ưu tiên không gian để thoát nước.

Chẳng hạn như tại TP Quảng Ngãi, để ưu tiên không gian thoát nước đô thị, TP không nên phát triển quá nhiều các dự án bất động sản, khu dân cư dọc sông, giữa sông. Thay vào đó, nên dành quỹ đất phát triển công viên sinh thái.

Cách làm này vừa đảm bảo không gian tiêu thoát nước cho sông, không làm cản trở dòng chảy của sông, vừa góp phần giúp đô thị thích ứng với xu hướng thời tiết ngày càng trở nên nắng nóng kéo dài. Khi thực hiện các giải pháp chống ngập đô thị, các tỉnh, TP cần liên kết vùng để các phương án chống ngập đạt kết quả bền vững.

Phó viện trưởng Viện Quy hoạch miền Nam - Kiến trúc sư Lê Quốc Hùng cho rằng, Quảng Ngãi không nên phát triển quá nhiều các dự án bất động sản, khu dân cư dọc sông, giữa sông.
Phó viện trưởng Viện Quy hoạch miền Nam - Kiến trúc sư Lê Quốc Hùng cho rằng, Quảng Ngãi không nên phát triển quá nhiều các dự án bất động sản, khu dân cư dọc sông, giữa sông.

“Với Quảng Ngãi, cần phối hợp với Kon Tum- thượng nguồn của sông Trà Khúc để thống nhất về quy hoạch, phát triển đô thị dọc sông, các công trình phòng, chống ngập phù hợp cho TP Quảng Ngãi. Nếu Quảng Ngãi thực hiện nhiều công trình tiêu thoát nước, chống ngập hiệu quả, nhưng Kon Tum lại xây dựng ồ ạt kè sông ở thượng nguồn thì lượng nước mưa thoát xuống vùng hạ lưu khi thời tiết cực đoan vẫn diễn ra đột ngột, khiến các giải pháp chống ngập đô thị của TP Quảng Ngãi khó bền vững”, ông Hùng nói.

Tính toán giải pháp phi công trình

Cũng liên quan đến giải pháp ứng phó với ngập lụt đô thị, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi Võ Quốc Hùng cho rằng, trong bối cảnh thời tiết cực đoan mà nguồn lực không đủ để đầu tư thì phải tính toán giải pháp phi công trình để quản lý rủi ro.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi Võ Quốc Hùng.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi Võ Quốc Hùng.

Đơn cử, có thể xây dựng bản đồ tổn thương do ngập lụt đô thị, chi tiết tới từng con đường, khu vực, thời gian ngập, mức độ ngập… từ đó triển khai các kịch bản ứng phó. Sau khi có bản đồ quản lý rủi ro tổn thương, có thể biết diễn biến ngập của từng trận mưa, cộng thêm việc dự báo kịp thời, chính xác thì có thể vận hành theo kiểu mô hình đô thị thông minh, đưa ra cảnh báo cho người dân.

“Bình quân mỗi năm, Quảng Ngãi có 3-4 trận mưa gây ngập đô thị, nếu đưa ra nguồn vốn đầu tư cho công trình chống ngập quá lớn thì không khả thi, còn nếu cảnh báo hiệu quả thì người dân sẽ chủ động ứng phó, hạn chế thấp nhất thiêt hại. Trong khi không thay đổi được bức tranh hạ tầng thì đây được xem là giải pháp hiệu quả”, ông Võ Quốc Hùng nói.

TP Quảng Ngãi  xảy ra ngập do mưa lớn.
TP Quảng Ngãi  xảy ra ngập do mưa lớn.

Đồng quan điểm, chuyên gia nghiên cứu về biến đổi khí hậu - Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy cho rằng, trong quy hoạch đô thị rất khó tính toán tới lượng mưa quá lớn. Do đó, không thể đầu tư công trình có nguồn vốn quá lớn để đối phó với trận mưa quá cực đoan 10 năm mới xảy ra một lần. Vì vậy, xây dựng biểu đồ rủi ro và khả năng thích ứng “mềm” của cộng đồng, điều phối của địa phương là rất quan trọng.

Khi quy hoạch phải quy hoạch theo hướng đô thị vệ tinh, có trục giao thông kết nối các đô thị vệ tinh. Thích ứng biến đổi khí hậu thì có chỗ cao, thấp, chỗ phát triển ưu tiên. Trong đô thị vệ tinh có hệ thống dự phòng, khi một nơi bị ảnh hưởng thời tiết cực đoan thì kích hoạt hệ thống dự phòng để kết nối.

“Ví dụ trước trận lụt dự báo sẽ rất lớn, Đà Nẵng có 1.000 xe ô tô phải đi gửi thì sẽ gửi ở đâu? Quảng Ngãi cũng vậy, nếu trận mưa gây ngập 1-2m, cao hơn xe ô tô thì để xe ở lòng đường là không an toàn, phải có tuyến đường phù hợp để người dân mang tài sản của mình đến. Đó chính giải pháp “mềm” khi không đủ kinh phí để nâng tất cả các cos đường”, ông Huy nói.