Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thời trang Việt trước sức ép cạnh tranh

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, các hãng thời trang nước ngoài như Mango, Zara, H&M liên tục khai trương cửa hàng bán, giới thiệu sản phẩm, khiến nhiều DN lo lắng khi thời trang Việt Nam có nguy cơ thua ngay trên sân nhà.

Thương hiệu quốc tế đổ bộ 
Từ năm 2015, thời trang Mango đã liên tục mở 2 cửa hàng Mango Mega Store tại Vincom Bà Triệu và Royal City. Tháng 6/2017, thương hiệu thời trang của Mỹ Old Navy khai trương cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam với các sản phẩm dành cho cả nam, nữ và trẻ em. Trước đó, tháng 9/2016, thương hiệu thời trang nổi tiếng Zara thuộc Tập đoàn Inditex (Tây Ban Nha) đã chính thức mở cửa hàng thời trang đầu tiên tại Trung tâm thương mại Vincom Đồng Khởi (TP Hồ Chí Minh). Tháng 11 vừa qua người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ phấn khích khi 2 thương hiệu thời trang Zara và H&M đã mở cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội. Hãng thời trang Nhật Bản Uniqlo đang ráo riết tuyển dụng nhân sự để mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam vào cuối năm 2017.

Người dân mua sắm tại cửa hàng thời trang đồ hiệu trong trung tâm Thương mại Vincom Bà Triệu, chiều 24/11. Ảnh: Phạm Hùng

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, việc các hãng thời trang nước ngoài đổ bộ vào thị trường bán lẻ Việt Nam thời gian qua chỉ là bề nổi. Bởi trước đó thông qua các công ty nhập khẩu phân phối như Công ty CP Maison, các hãng thời trang quốc tế đã đưa nhiều thương hiệu thời trang như Christian Louboutin, Karen Millen, Max&Co, Max Mara... thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Tính đến thời điểm hiện tại, có gần 200 thương hiệu thời trang ngoại đang có mặt tại Việt Nam.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Đinh Thị Mỹ Loan: Các hãng thời trang lớn trên thế giới đang rất quan tâm tới Việt Nam - thị trường có mức tăng trưởng bình quân từ 15 - 20%. Kết quả khảo sát gần đây của hãng Niesel, số lượng người Việt mê hàng hiệu đứng thứ 3 thế giới, chỉ sau Trung Quốc (74%) và Ấn Độ (59%). “Thời điểm hiện tại, có gần 200 thương hiệu thời trang ngoại đang có mặt tại Việt Nam, chiếm hơn 60% thị trường với đủ các phân khúc từ cao cấp đến tầm trung, bình dân. Tiêu thụ mạnh nhất là những thương hiệu tầm trung với các thương hiệu châu Á như Giordano, Bossini...; cao cấp như CK, Mango, D&G, Gucci, Nautica...” - bà Loan chia sẻ.

Đa dạng hóa sản phẩm

Khi nói về việc các hãng thời trang nước ngoài đổ bộ vào thị trường Việt Nam đã tạo áp lực lên DN trong nước, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Đặng Phương Dung cho rằng: Việc xuất hiện ngày càng nhiều thương hiệu thời trang quốc tế sẽ là liều thuốc kích thích DN Việt Nam phải đa dạng hóa sản phẩm phục vụ mọi phân khúc từ cao cấp đến bình dân nếu muốn giữ thị phần. “Những năm gần đây, Việt Nam luôn nằm trong top đầu các nước xuất khẩu dệt may trên thế giới. DN Việt Nam hiểu rõ về văn hóa Việt Nam để thiết kế được sản phẩm phù hợp nhất với thị hiếu người tiêu dùng. Vấn đề là DN Việt có muốn làm hay không chứ không phải không đủ năng lực thực hiện” - bà Dung nói.

Đồng tình với ý kiến này, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh - Trưởng bộ môn Kinh tế (Học viện Tài chính) cho rằng, sự xuất hiện của các thương hiệu thời trang thế giới tham gia vào thị trường may mặc nội địa sẽ buộc DN Việt Nam phải quan tâm tới việc xây dựng thương hiệu của riêng mình. Đó là phát triển hệ thống bán lẻ bằng cách hợp tác với các nhà bán lẻ lớn như Big C, Saigon Co.opmart, Aeon Việt Nam nếu muốn cạnh tranh với hàng ngoại nhập. Bên cạnh đó, DN Việt thay vì sản xuất theo phong trào cần lựa chọn hướng đi riêng từ đó chuyên môn hóa sản phẩm may mặc, không sản xuất nhỏ lẻ, trùng lặp, qua đó tiết giảm chi phí sản xuất.

Thực tế cho thấy, dưới tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, rất có thể các nước nhập khẩu dệt may lớn trên thế giới sẽ giảm dần việc thuê gia công sản phẩm ở các nước có giá nhân công rẻ. Vì vậy, nếu các DN may mặc thời trang Việt không từng bước xây dựng thương hiệu thiết kế riêng, qua đó từng bước chiếm lĩnh thị trường nội địa, đảm bảo sự phát triển cân đối giữa thị trường xuất khẩu và trong nước thì khó có thể tồn tại nếu chỉ trông vào việc gia công sản phẩm cho DN ngoại.