70 năm giải phóng Thủ đô

Thời trang Việt vươn tầm thế giới

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm gần đây, thời trang Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ. Nhiều mẫu thiết kế Việt đã lọt mắt xanh các ngôi sao hàng đầu thế giới, đưa tên tuổi thương hiệu thời trang Việt Nam vươn tầm thế giới.

Lọt mắt xanh nhiều ngôi sao thời trang

Nếu như trước đây, thời trang Việt đến với sàn diễn thời trang quốc tế qua những chuyến giao lưu văn hóa thì nay thương hiệu Việt đã sánh ngang với nhiều thương hiệu trên thế giới. 

Tại LHP Cannes 2024 vừa diễn ra, nhiều hoa hậu thế giới như Miss Grand International 2022 - Isabella Menin, Miss Earth Malaysia 2021- Nisha Thayananthan đã lựa chọn trang phục của các nhà thiết kế Nguyễn Minh Tuấn, Lê Thanh Hòa khoe dáng trên thảm đỏ. Cùng với đó, những cái tên thời trang Việt như FanCì Club, Bupbes, La Lune… khiến doanh nghiệp Việt tự hào khi được hàng loạt nhóm nhạc thần tượng K-Pop đình đám tin tưởng lựa chọn để cùng xuất hiện trên các show diễn hay MV mới.

Người tiêu dùng mua quần áo thời trang tại siêu thị Big C Thăng Long. Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng mua quần áo thời trang tại siêu thị Big C Thăng Long. Ảnh: Hoài Nam

Thực tế cho thấy, thời gian gần đây, các mẫu thiết kế thời trang do doanh nghiệp Việt Nam sáng tạo không chỉ xuất hiện tại các sàn diễn mà đã hiện diện tại thị trường thế giới thông qua hoạt động xuất khẩu. Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 Thân Đức Việt cho biết, để chinh phục thị trường xuất khẩu EU, Hoa Kỳ… May 10 phát triển nhiều dòng sản phẩm như May 10 Expert, May 10 Series, May 10 Classic, May10 Classic Suit…

Tương tự, nhiều nhãn hàng Việt Nam khác như Tổng Công ty CP May Việt Tiến, Tổng công ty May Nhà Bè, Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ… cũng đã liên tục đưa thời trang Việt ra thế giới và được người tiêu dùng bản địa chấp nhận tiêu thụ.

Theo Chủ tịch Hiệp hội các nhà thiết kế thời trang Đông Nam Á Trang Lê, việc có mặt tại các tuần lễ thời trang quốc tế cho thấy thời trang Việt hoàn toàn có thể cạnh tranh sòng phẳng với các thương hiệu thế giới. “Diện mạo ngành thời trang Việt Nam đang thay đổi từng ngày. Tới đây, thời trang Việt chắc chắn trở thành một ngành công nghiệp phát triển, có thể sản xuất với số lượng lớn. Hiện cũng đã có nhiều thương hiệu Việt nhận được những đơn hàng trị giá triệu đô” - bà Trang Lê chia sẻ.

Việc các nhãn hàng thời trang Việt Nam dần vươn ra thế giới đã kéo theo kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này tăng trưởng mạnh mẽ. Thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam, từ đầu năm đến nay kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt 32,2 tỷ USD, tăng 8,18% so cùng kỳ 2023.

Thời trang Việt hút khách với mẫu mã luôn đổi mới. Ảnh: Hoài Nam
Thời trang Việt hút khách với mẫu mã luôn đổi mới. Ảnh: Hoài Nam

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường cho rằng, tháng 9 là tháng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất từ trước tới nay khi kim ngạch xuất khẩu ngành dệt tăng 11,2%, may mặc tăng đến 18,7% so với cùng kỳ năm trước. Việc kim ngạch xuất khẩu dệt may thời trang tăng trưởng mạnh mẽ cho nhiều hy vọng về khả năng cán đích 44 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu năm 2024.

Tìm cách xâm nhập sâu hơn vào thị trường quốc tế

Mặc dù thời trang Việt đã chiếm lòng tin người tiêu dùng bản địa, nhưng theo các chuyên gia kinh tế, để kim ngạch xuất khẩu này tăng trường ổn định đòi hỏi doanh nghiệp phải liên tục thay đổi mẫu mã phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, chủ động có chiến lược rõ ràng trong việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới. 

Nhìn nhận về hoạt động xuất khẩu thời trang Việt ra thị trường quốc tế trong thời gian qua, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) Tạ Hoàng Linh cho biết, về tổng thể, kim ngạch xuất khẩu nhóm mặt hàng thời trang  ghi nhận mức tăng trưởng đầy ấn tượng. Nhóm ngành hàng này đóng góp không nhỏ vào tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ra thị trường quốc tế, tạo dựng vị thế vững chắc và tham gia ngày càng sâu vào chuỗi cung ứng hiện đại toàn cầu.

Người tiêu dùng mua quần áo thời trang tại siêu thị Big C Thăng Long. Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng mua quần áo thời trang tại siêu thị Big C Thăng Long. Ảnh: Hoài Nam

Tuy nhiên, nhiều thị trường nhập khẩu chủ lực của ngành thời trang Việt Nam ngày càng đưa những quy định ngày càng đưa ra nhiều quy định cao liên quan đến xanh hóa chuỗi sản xuất và cung ứng, các tiêu chí phát triển bền vững, sản xuất tuần hoàn đang đặt ra thách thức không nhỏ cho doanh nghiệp thời trang  Việt Nam.

Trước những khó khăn thách thức đó, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội Nguyễn Ánh Dương cho rằng, thời gian tới doanh nghiệp thời trang Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung cần phải cần đầu tư vào công nghệ xanh để tối ưu hóa quy trình sản xuất, giảm thiểu lượng chất thải. Ngoài ra, cần hợp tác chặt chẽ với các nhà cung ứng để đảm bảo rằng nguyên liệu và sản phẩm được sản xuất và vận chuyển một cách bền vững và hiệu quả.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm cho rằng, để cạnh tranh được với các tên tuổi lớn thế giới đang đổ bộ vào thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp thời trang cần đổi mới phương thức quản lý, đầu tư vào máy móc thiết bị hiện đại, nguồn nhân lực chất lượng cao để các thương hiệu nội địa có thể cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài qua đó vươn lên trên thị trường thế giới.

Đứng ở góc độ chuyên gia, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh Võ Trí Thành nêu rõ, hiện thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ nên doanh nghiệp dệt may trong nước cần đầu tư vào thương mại điện tử, tạo ra những trải nghiệm mua sắm trực tuyến thân thiện và thuận tiện nhất cho người tiêu dùng.

“Thông tin từ sàn thương mại điện tử Shopee Việt Nam cho thấy, hiện có khoảng hơn 350.000 nhà bán hàng Việt Nam tham gia SIP và mỗi tháng đều thu hút thêm hàng ngàn nhà bán hàng mới nhập cuộc, quảng bá hơn 15 triệu sản phẩm ra thị trường Đông Nam Á. Hàng tháng, doanh số trung bình của các nhà bán hàng Việt Nam trong chương trình cũng tăng đều đặn từ 20-30%”-ông Thành dẫn chứng.

Có thể thấy, sân chơi thế giới của những nhà kinh doanh thời trang Việt vẫn còn nhiều “đất diễn” và cơ hội mở rộng thị trường ngay trong thời điểm kinh tế biến động. Tuy vậy, các thương hiệu Việt cần tập trung tạo nên bản sắc riêng, tăng độ nhận diện để tránh ảnh hưởng khi bị đối thủ sao chép mẫu mã, đồng thời tìm lối đi riêng khi mở rộng thị trường xuất khẩu.