Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thông điệp qua các bài thi về dịch vụ công trực tuyến đạt điểm cao

Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Một ý tưởng nhỏ của bạn có thể mang đến những giá trị lớn cho công cuộc chuyển đổi số và dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn Thành phố Hà Nội” - là thông điệp hay của bài thi góp phần để huyện Hoài Đức giành điểm cao nhất cuộc thi.

Theo thông báo của Ban Tổ chức, kết thúc cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về định danh điện tử và dịch vụ công trực tuyến”, huyện Hoài Đức có 255.119 thí sinh tham gia, đứng thứ nhất về số lượng người thi tại Khu vực thi số 2, đồng thời đứng vị trí thứ nhất trên tổng số 30 quận, huyện, thị xã. Một số xã của huyện Hoài Đức có số lượng bài dự thi cao là Dương Liễu, La Phù, Song Phương, Sơn Đồng, Đức Giang, Di Trạch, Cát Quế, Kim Chung...

Ban Giám khảo cuộc thi của huyện Hoài Đức đã tiến hành chấm sơ khảo và thống nhất lựa chọn 30 bài dự thi có điểm cao nhất (bao gồm 20 bài của thí sinh từ đủ 18 tuổi trở lên, 10 bài của thí sinh dưới 18 tuổi) gửi về Ban Tổ chức Cuộc thi Thành phố để chấm vòng chung khảo. 

Người dân xã Song Phương làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa (ảnh minh họa)
Người dân xã Song Phương làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa (ảnh minh họa)

Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, Phó Phòng Tư Pháp huyện Hoài Đức Trần Thanh Tuấn nhận định, đây là một trong những cuộc thi có ý nghĩa hết sức thiết thực, phù hợp với tình hình địa phương. Qua đó, góp phần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân về ý nghĩa của việc triển khai thực hiện Đề án 06 - ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử, ứng dụng VNeID… trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời phổ biến rộng rãi các quy định của pháp luật về dịch vụ công trực tuyến, từ đó tạo đồng thuận để người dân tích cực tham gia, sử dụng ứng dụng VNeID, dịch vụ công trực tuyến trong các giao dịch hàng ngày.

Vẫn theo ông Tuấn, với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, cuộc thi đã huy động một lực lượng đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các phòng, ban, ngành, đoàn thể của huyện, các xã, thị trấn, các thày cô giáo, các em học sinh và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn hưởng ứng, tham gia dự thi.

Qua theo dõi cho thấy hầu hết cán bộ, công chức, viên chức các phòng, ban, ngành huyện, các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn huyện đều tham gia dự thi; lực lượng giáo viên, đoàn viên thanh niên và học sinh trên địa bàn tham gia với số lượng lớn nhất.

Theo lãnh đạo UBND huyện Hoài Đức, cuộc thi góp phần tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các quy định của pháp luật, cũng từ đó nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật về định danh điện tử, dịch vụ công trực tuyến của cán bộ, công chức, viên chức và người dân trên địa bàn.

Cuộc thi được triển khai đồng bộ, đúng tiến độ, kế hoạch, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền cơ sở. Trong đó lực lượng nòng cốt tham gia hưởng ứng cuộc thi là Đoàn thanh niên, các thày giáo, cô giáo, các em học sinh. 

Chủ tịch UBND xã Đông La Kiều Văn Tập (áo kẻ bên trái) trong một buổi  tiếp công dân (ảnh minh họa)
Chủ tịch UBND xã Đông La Kiều Văn Tập (áo kẻ bên trái) trong một buổi  tiếp công dân (ảnh minh họa)

Ngoài những kết quả tích cực, còn một số khó khăn, vướng mắc, vì cuộc thi được thực hiện trên mạng - đòi hỏi phải có máy tính (được kết nối mạng) hoặc điện thoại thông minh (được kết nối wifi), nên khó khăn nhất định cho người tham gia, nhất là những người cao tuổi, người lao động không có điều kiện về máy tính, điện thoại thông minh và học sinh từ 14 tuổi trở lên. Bản chất cuộc thi trực tuyến nhưng thiết kế (bài thi) gồm cả phần trắc nghiệm và tự luận, do đó trên thực tế người dân ít có bài tự luận kèm theo. Nguyên nhân vì điều kiện trang thiết bị, khả năng thao tác văn bản gặp khó khăn nên dẫn đến tâm lý không muốn làm…

Nhìn chung các cuộc thi trực tuyến do Thành phố tổ chức trong những năm gần đây với mục đích chính là mang tính tuyên truyền, giúp cán bộ và Nhân dân hiểu rõ và chấp hành tốt các quy định của pháp luật về từng lĩnh vực. Từ thực tế, một số ý kiến tại huyện Hoài Đức cho rằng, để đạt được mục tiêu cao nhất mà cuộc thi đặt ra, vẫn cần chú ý một số chi tiết như, thiết kế bài thi chỉ nên có phần trắc nghiệm, không nên có phần thi tự luận để đảm bảo thu hút đông đảo Nhân dân tham gia và tạo thuận lợi cho việc chấm thi, xét giải. Bộ câu hỏi được thiết kế đảm bảo dễ nhớ, tránh việc gây nhầm lẫn, dẫn đến tâm lý không muốn vào thi của người dân.