Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thống đốc: “Giảm lãi suất đã cân nhắc thận trọng”

Theo Vneconomy
Chia sẻ Zalo

Cuối chiều 7/7, Ngân hàng Nhà nước quyết định giảm các lãi suất điều hành, cùng trực tiếp giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Trả lời PV, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, mức giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành trước hết mang tính tín hiệu với thị trường, cũng như mức độ điều chỉnh phản ánh sự cân nhắc thận trọng.
Vẫn giám sát chặt chẽ nguồn
Thực tế, phải sau hơn ba năm (kể từ tháng 3/2014), nhà điều hành chính sách tiền tệ mới đưa ra được quyết định trên.
Bởi theo Thống đốc Lê Minh Hưng, năm 2016 và triển vọng 2017, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, nhưng kỳ vọng của lạm phát vẫn ở mức cao.
Quyết định giảm các lãi suất điều hành được đưa ra sau khi Ngân hàng Nhà nước đã kiểm soát được lạm phát và ổn định tốt tỷ giá trong năm 2016, nửa đầu 2017 cũng như tầm nhìn trong tương lai gần, cùng trạng thái vốn và thanh khoản hệ thống bảo đảm.
Mặt khác, quyết định điều chỉnh lần này không có mặt của trần lãi suất huy động tiền gửi ngắn hạn. Nhà điều hành đã thận trọng khi không trực tiếp tác động đến lãi suất tiền gửi - liên quan đến nguồn huy động của hệ thống trong cân đối với tăng trưởng tín dụng (với tốc độ cho vay nửa đầu 2017 đã tốt hơn so với nhiều năm trước).
Thêm nữa, mức độ giảm cùng các loại lãi suất điều hành gián tiếp trên cũng tránh trực tiếp co hẹp chênh lệch lãi suất “đô - đồng” để hạn chế những biến động liên quan của tỷ giá USD/VND.
Như trên, quyết định giảm được đưa ra sau khi Ngân hàng Nhà nước đã kiểm soát và ổn định tốt tỷ giá trong năm 2016, nửa đầu 2017 cũng như tầm nhìn trong tương lai gần.
Tại cuộc họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 3/7 vừa qua, Thống đốc Lê Minh Hưng cũng đã khẳng định, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước có các công cụ, các điều kiện để tiếp tục ổn định được tỷ giá, trong tình huống Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể tiếp tục tăng lãi suất.
Song song với bước đi trên, bên cạnh ổn định tỷ giá, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định một trong những mục tiêu ưu tiên là tiếp tục kiểm soát lạm phát, và không có nghĩa là đẩy mạnh cung vốn ra nền kinh tế.
Thống đốc nhận định, lạm phát nửa đầu năm nay ở mức thấp, một phần do yếu tố giá lương thực thực phẩm và giá nhiên liệu xăng dầu giảm, còn kỳ vọng lạm phát vẫn ở mức cao; chính sách tiền tệ vẫn phải thận trọng (như thể hiện ở mức độ điều chỉnh các lãi suất điều hành chỉnh 0,25%/năm).
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ vẫn giám sát chặt chẽ nguồn vốn ra nền kinh tế ở hoạt động cho vay. Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở các ngân hàng thương mại không vì thế mà nới lỏng; chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng chung cả năm vẫn giám sát tổng thể khoảng 18%.
Bước đi đầu tiên
Trong quyết định lần này, Ngân hàng Nhà nước giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng một số lĩnh vực, ngành kinh tế. Quyết định này tác động trực tiếp, hỗ trợ giảm chi phí trực tiếp nhất cho các khối doanh nghiệp liên quan.
Còn ở các lãi suất điều hành, giá trị trước hết nằm ở tín hiệu đối với thị trường; gián tiếp hỗ trợ giảm lãi suất cho vay qua chi phí vốn của các tổ chức tín dụng. Đó là bước đi đầu tiên sau hơn ba năm, kết quả của nhiều cân đối về nguồn, về lạm phát, tỷ giá... Nói cách khác, nó là thông điệp về nền tảng định hình lãi suất hiện nay đã tốt hơn những năm trước.
Theo TS. Trịnh Quang Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Việt Nam, lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tái chiết khấu lâu này thực tế không có nhiều hiệu lực trong ảnh hưởng đối với lãi suất thị trường. Theo đó, chúng tập trung ở giá trị tín hiệu. Và điều mà thị trường chờ đợi là lãi suất trong nghiệp vụ thị trường mở (OMO) cũng có điều chỉnh, để có thêm tác động cụ thể hơn đến nguồn vốn hệ thống.
Còn theo lãnh đạo một ngân hàng thương mại, quyết định giảm các lãi suất điều hành có giá trị tín hiệu, khởi đầu kỳ vọng về giai đoạn nối tiếp thực hiện mục tiêu giảm lãi suất cho vay, sau khi mặt bằng chung đã giảm được về vùng thấp trước những năm 2006 - 2007.
Ở một hướng tác động đến chi phí vốn, vị lãnh đạo ngân hàng trên cho hay, nếu cửa Ngân hàng Nhà nước mở, các tổ chức tín dụng có thể xem xét tiếp cận kênh tái cấp vốn qua trái phiếu đặc biệt VAMC sau khi bán nợ xấu. Vì sau khi giảm 0,25%, lãi suất tái cấp vốn về 6,25%/năm, việc tiếp cận vốn qua kênh này có cơ hội chỉ tối đa 4,25%/năm theo quy định. Chi phí này đáng để cân nhắc, khi trần lãi suất huy động ngắn hạn là 5,5%/năm.
Rộng hơn, lãnh đạo ngân hàng này cho rằng, từ tháng 8 tới, nghị quyết về xử lý nợ xấu mà Quốc hội vừa ban hành đi vào thực tiễn, hệ thống có một cú hích hỗ trợ xử lý nợ xấu và kỳ vọng tạo kết quả thực chất, nhanh hơn.
Theo đó, một nguồn lực lớn trong nợ xấu sẽ được tái tạo, góp thêm điều kiện để giảm thêm lãi suất cho vay, cùng với tác động hỗ trợ từ quyết định giảm các lãi suất điều hành nói trên, thay vì bơm mạnh vốn mới ra để giảm lãi suất mà gây áp lực đến lạm phát.