Đại biểu Châu Thị Thu Nga (đoàn Hà Nội): Bổ sung chế tài nộp thuế kinh doanh đất đai
Do đất đai có giá trị lớn nên dẫn đến việc đầu cơ nhằm mục đích thu lời, nhưng chưa có chế tài cụ thể để quản lý, dẫn đến giao dịch ngầm. Do đó, cần bổ sung chế tài nộp thuế thu nhập cá nhân khi kinh doanh đất đai và làm minh bạch hóa thị trường bất động sản. Tuy nhiên, cần có lộ trình, tránh tình trạng như hiện nay "xe chính chủ, đất cũng phải chính chủ".
Đại biểu Thân Đức Nam (đoàn Đà Nẵng):Chưa rõ mục tiêu lành mạnh thị trường bất động sản
Sự phát triển méo mó của thị trường bất động sản hiện nay là do đầu tư quá nhiều, đẩy giá bất động sản quá cao, vượt mức chịu đựng của nền kinh tế, vượt khả năng mua của người dân. Thực tế này đều có nguyên nhân từ bất cập trong việc thực thi pháp luật về đất đai. Dự thảo luật đã có nhiều điều khoản quy định về việc điều chỉnh thị trường bất động sản, nhưng chưa đồng bộ, khó lành mạnh hóa thị trường. Do đó, cần lấy đây là một trong những mục tiêu để xây dựng các điều khoản có tính hệ thống.
|
Trưng mua hay thu hồi?
Mặc dù đánh giá Dự thảo Luật lần này đã có nhiều điểm mới, nhưng các đại biểu (ĐB) đều có chung nhận định: Chưa có bước đột phá, giải quyết triệt để, căn cơ đối với những vấn đề còn bức xúc trong quản lý đất đai hiện nay, cụ thể là việc đảm bảo nguyên tắc hài hòa lợi ích của 3 bên: Nhà nước (chủ sở hữu) - nhà đầu tư và người dân (chủ sử dụng đất). Đặt vấn đề, đất đai là một tài sản đặc biệt, các ĐB đề nghị, chỉ thu hồi đất đối với dự án vì mục đích quốc phòng, an ninh; những dự án phát triển kinh tế, kinh doanh nên áp dụng cơ chế để nhà đầu tư thỏa thuận với người có đất bị thu hồi.
ĐB Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng) cho rằng, cần tăng cường mở rộng cơ chế trưng mua quyền sử dụng đất, hạn chế tối đa cơ chế thu hồi vì giá đất trưng mua thường cao hơn giá Nhà nước đền bù khi thu hồi, điều này cũng phù hợp hơn với quy định trong Hiến pháp. Hơn nữa, việc tồn tại song song hai cơ chế (thỏa thuận và thu hồi) sẽ gây bức xúc khiếu nại trong trường hợp trên một địa bàn (khu đất) mà hai dự án áp dụng hai cơ chế, điều này rất dễ gây bức xúc.
Một nội dung khác được nhiều ĐB quan tâm là Dự thảo Luật mới quy định chung chung: Người có đất bị thu hồi được hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm, tổ chức lại sản xuất, đảm bảo đời sống, vì vậy, chưa giải quyết triệt để vấn đề hậu thu hồi. ĐB Huỳnh Thành (đoàn Gia Lai) đề xuất: Nên có cơ chế hoán đổi đất cho phù hợp với từng địa bàn hoặc chuyển thành cổ phần trong dự án được đầu tư để ràng buộc trách nhiệm đảm bảo sinh kế của người bị thu hồi đất.
ĐB Trần Ngọc Vinh cũng nhận định: Trong những năm vừa qua, chúng ta đã thu hồi quá nhiều đất để làm dự án. Trong khi đó, rất nhiều dự án để hoang hóa trong khi nhân dân không có đất để canh tác. Rồi vấn đề việc làm, tái định cư vẫn còn rất nhiều bất cập nhưng Luật chưa có cơ chế để ràng buộc.
Kế hoạch sử dụng đất dựa vào đâu?
Nhiều ĐB bày tỏ đồng ý với quy hoạch 3 cấp (quốc gia, tỉnh, huyện), với lý do là đa số cấp xã không đủ năng lực làm quy hoạch, công việc này thời gian qua mang tính hình thức, hiệu quả không cao. ĐB Dương Hoàng Hương (đoàn Phú Thọ) đề xuất: Bổ sung sự phối hợp, tham gia của các cơ quan để quy hoạch có tính liên vùng, tận dụng được kết cấu hạ tầng của các địa phương, tránh xung đột quan điểm phát triển.
Ở một khía cạnh khác, ĐB Châu Thị Thu Nga (đoàn Hà Nội) cho rằng: Hiện nay, tại các vùng nông nghiệp việc thu hồi đất diễn ra rất tràn lan, hiệu quả kém, một phần bởi việc giao đất được căn cứ vào kế hoạch sử dụng đất của cấp huyện. Nhưng căn cứ vào đâu để có kế hoạch sử dụng đất vẫn là một câu hỏi mơ hồ. Trong Dự thảo cũng chưa quy định rõ vấn đề này.
Đại biểu Châu Thị Thu Nga (đoàn Hà Nội) phát biểu ý kiến.Ảnh: Minh Điền
ĐB Lê Thị Công (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị, Dự thảo Luật phải khắc phục những yếu kém trong công tác lập quy hoạch, công tác dự báo và đánh giá tác động môi trường, bảo vệ nguồn tài nguyên... Cũng theo ĐB, do kế hoạch sử dụng đất chưa có tầm nhìn dài hạn, quy hoạch sai mục đích, giao đất cho nhà đầu tư không đủ năng lực, lãng phí trong lập quy hoạch,… dẫn đến nhiều bức xúc, khiếu kiện. ĐB kiến nghị Quốc hội chuyển từ xem xét quy hoạch - kế hoạch sử dụng đất theo tổng diện tích sang quy hoạch theo vùng, phù hợp với thực tế địa phương.
“Phù hợp với giá thị trường” dễ thành vô nghĩa
Một vấn đề được các ĐB băn khoăn nhất vẫn là việc quy định giá đất phù hợp giá thị trường. ĐB Lê Trọng Sang (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, phương pháp định giá đất cần được rà soát lại, vì thực tế bảng giá đất của các địa phương chỉ bằng 30 - 60% giá thị trường. Tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội giá đã kịch khung Chính phủ, nhưng mức trần cũng chỉ 81 triệu đồng/m2², trong khi thực tế giao dịch có nơi lên tới hàng trăm triệu đồng.
Cho rằng, Nhà nước không nên thẩm định giá đất để tránh "vừa đá bóng vừa thổi còi", ĐB Huỳnh Thành đề nghị nên giao cho cấp tỉnh. Nhà nước chỉ cần có cơ chế xử lý chênh lệch giá đất giữa các khu vực giáp ranh. ĐB Võ Kim Cự (đoàn Hà Tĩnh) đề nghị: "Dự luật phải xác định rõ hơn nữa khái niệm về các loại đất, tiến tới thiết lập quy chuẩn sử dụng đất thống nhất trên toàn quốc".
Các ĐB đồng tình, thời hạn giao đất sử dụng vào mục đích nông nghiệp là 50 năm. Đồng thời đề xuất làm rõ cơ chế giám sát của nhân dân trong quản lý đất đai, tránh lạm quyền, lợi ích nhóm trong thực hiện quy hoạch. Về thế chấp quyền sử dụng đất tại ngân hàng ở nước ngoài để vay vốn, các ĐB đề nghị cần xem xét lại và chưa nên quy định vấn đề này trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vì đây là vấn đề mới, chưa có thực tế để tổng kết rút kinh nghiệm.
Đại biểu Cao Sĩ Kiêm (đoàn Thái Bình): Phải định giá đất theo quy luật cung cầu
Theo tôi, việc định giá đất theo thị trường là phù hợp nhưng cần phải có cơ chế định giá khách quan. Nhà nước chỉ thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, xây dựng các công trình lợi ích công cộng là đúng. Việc thu hồi này căn cứ vào đề án, vào việc thi hành, sử dụng đất cũng như căn cứ vào mức vi phạm, tái phạm trong quá trình sử dụng đất của chủ sử dụng đất đó. Còn thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội nên áp dụng trưng mua, trưng dụng. Khi thu hồi phải định giá bồi thường đất theo cung cầu, quy luật thị trường, theo kế hoạch phát triển, vừa đảm bảo được lợi ích vừa tránh gây rủi ro, thất thoát, tham ô, tham nhũng và đảm bảo tính nghiêm túc của việc thi hành.
Trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này vẫn phải đưa lại nguyên tắc giá đất được định theo thị trường, hình thành theo cung cầu và giá trị sử dụng trong từng giai đoạn khác nhau. Làm được như vậy sẽ góp phần kiểm soát đầu cơ bất động sản. Còn muốn giải quyết được bong bóng bất động sản phải tính đến rất nhiều nguyên nhân chứ không phải chỉ riêng giá đất.
|