Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thống nhất tên gọi bộ phận giúp việc BCĐ cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Từ ngày 1/2/2010, bộ phận giúp việc Ban Chỉ đạo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về phòng, chống tham nhũng (BCĐ cấp tỉnh) sẽ được gọi tên là Văn phòng Ban Chỉ đạo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về phòng, chống tham nhũng (VPBCĐ).

KTĐT -  Từ ngày 1/2/2010, bộ phận giúp việc Ban Chỉ đạo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về phòng, chống tham nhũng (BCĐ cấp tỉnh) sẽ được gọi tên là Văn phòng Ban Chỉ đạo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về phòng, chống tham nhũng (VPBCĐ).

VPBCĐ hoạt động theo chế độ chuyên trách, có chức năng tham mưu, giúp việc và tổ chức phục vụ hoạt động của BCĐ cấp tỉnh và Trưởng Ban BCĐ cấp tỉnh.

8 nhiệm vụ của VPBCĐ

VPBCĐ được giao 8 nhiệm vụ công tác, trong đó có những nhiệm vụ cốt lõi như: Trình Trưởng BCĐ cấp tỉnh chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ công tác phòng, chống tham nhũng căn cứ trên tình hình thực tế của địa phương theo định kỳ hàng tháng, 3 tháng, 6 tháng và hàng năm; xây dựng các báo cáo định kỳ, đột xuất (về tình hình, công tác phòng, chống tham nhũng của địa phương) với Tỉnh ủy, Thành ủy, HĐND, UBND cấp tỉnh và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Bên cạnh đó, VPBCĐ chịu trách nhiệm chuẩn bị nội dung, tổ chức, phục vụ các cuộc họp, làm việc của BCĐ cấp tỉnh và theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các ý kiến chỉ đạo của BCĐ cấp tỉnh cũng như của Trưởng BCĐ cấp tỉnh. VPBCĐ cũng là đầu mối nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng thuộc thẩm quyền cấp tỉnh...

Là một đầu mối công tác trực thuộc tỉnh

VPBCĐ làm việc theo chế độ thủ trưởng, kết hợp với chế độ chuyên viên, trên cơ sở nguyên tắc tập trung dân chủ. Chánh VPBCĐ được mời tham dự các cuộc họp lớn trong tỉnh về những nội dung liên quan đến phòng, chống tham nhũng. VPBCĐ được mời dự họp và nhận tài liệu như một đầu mối trực thuộc tỉnh.

Khi được BCĐ cấp tỉnh ủy quyền, có thể có quyền yêu cầu cơ quan, đơn vị, tổ chức và người có thẩm quyền cung cấp thông tin, tài liệu về tình hình tham nhũng... Bên cạnh đó, VPBCĐ còn được ủy quyền yêu cầu thông báo việc xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng cụ thể, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý thông tin về tham nhũng. VPBCĐ có thể phối hợp với Thanh tra, Công an... để trao đổi thông tin, theo dõi, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng theo yêu cầu công việc.

Về cơ cấu tổ chức, VPBCĐ có Chánh Văn phòng (do Phó Trưởng BCĐ cấp tỉnh kiêm nhiệm), Phó Chánh Văn phòng (tương đương cấp Phó Giám đốc Sở). Một số tỉnh, thành phố lớn trực thuộc Trung ương nếu cần thiết có thể bố trí 2 Phó Chánh Văn phòng.