Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thông qua Nghị quyết quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 5/12, HĐND TP đã thảo luận và quyết nghị thông qua quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, tỷ lệ phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách và định mức phân bổ dự toán chi ngân sách thời kỳ ổn định ngân sách 2017-2020 của TP.

Theo tờ trình của TP, nguyên tắc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi phải phù hợp với phân cấp quản lý nhà nước về hạ tầng, kinh tế -xã hội, quốc phòng, an ninh và trình độ quản lý của các cấp chính quyền địa phương. Bảo đảm nguồn lực cho chính quyền địa phương thực hiện được các nhiệm vụ, quyền hạn đã được phân quyền, phân cấp và chịu trách nhiệm trong phạm vi được phân quyền, phân cấp. Đồng thời, tạo sự chủ động trong việc quản lý điều hành của các cấp ngân sách địa phương...
 Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản đọc tờ trình trước HĐND TP Hà Nội
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản, việc phân cấp nguồn thu, tỷ lệ (%) phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách TP Hà Nội đang thực hiện cơ bản đã phù hợp với các quy định của Luật Ngân sách nhà nước và phù hợp tiến trình cải cách tài chính công, hiện đại hóa ngành tài chính và công tác quản lý, khai thác nguồn thu ở địa phương.
Do vậy đối với 28 khoản thu đang quy định, phân cấp nguồn thu thời kỳ mới giữ nguyên quy định phân cấp hiện tại đối với 16 khoản thu; xóa bỏ, không quy định đôi với 2 khoản thu; bổ sung quy định thêm 3 khoản thu và điêu chỉnh lại phân cấp đối với 10 khoản thu cho phù hợp với sự thay đổi của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, phù hợp với các quy định hiện hành và thực tiễn quản lý.

Trong đó, TP cũng xác định rõ những khoản thu ngân sách địa phương hưởng 100% như lệ phí môn bài. Đối với thu đấu giá quyền sử dụng đất, điều chỉnh sắp xếp lại thành 2 nhóm và điều chỉnh lại tỷ lệ điều tiết, trong đó, đối với loại đất có quy mô diện tích dưới 5000 m2 (nhỏ, lẻ, xen kẹt) không tiếp giáp với đường, phố và tiền đất khác điều tiết cấp huyện 100%.
Đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách T.Ư và ngân sách các cấp ở địa phương. Việc xác định tỷ lệ phân chia nguồn thu này theo tỷ lệ riêng của từng quận, huyện, thị xã trên cơ sở đảm bảo cân đối nguồn lực cho quận, huyện, thị xã thực hiện nhiệm vụ chi theo chính sách chê độ đã được phân câp. Đối với khoản thu tại các quận, huyện, thị xã còn lại, thực hiện điều tiết cho ngân sách cấp huyện hưởng 35% (bằng tỷ lệ T.Ư điều tiết về cho TP).
 Các đại biểu tham dự kỳ họp. Ảnh: Thanh Hải
Thẩm tra của Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP cơ bản thống nhất với nội dung đề xuất liên quan đến phân cấp nguồn thu, tỷ lệ phần trăm (%) phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách. Số quận tự đảm bảo cân đối ngân sách trong giai đoạn mới tăng lên thành 10 quận so với 7 quận của giai đoạn 2011-2016. Đồng thời việc Hà Nội bị giảm tỷ lệ điều tiết ngân sách từ 42% giai đoạn 2011-2016 xuống còn 35% giai đoạn 2017-2020 có tác động lớn đến việc xây dựng phương án tỷ lệ phần trăm (%) phân chia nguồn thu giữa ngân sách Thành phố và ngân sách các quận, huyện, thị xã.

Về tỷ lệ điều tiết, một số địa phương khi áp dụng tiêu chí, định mức phân bổ NSNN theo quy định mới trong thời kỳ ổn định ngân sách 2017-2020 có tỷ lệ điều tiết giảm nhanh với số tuyệt đối lớn như: quận Hoàn Kiếm (từ 17% xuống 11%), quận Nam Từ Liêm (từ 16% xuống 10%), quận Long Biên (từ 42% xuống 21%), quận Tây Hồ (từ 42% xuống 32%), trong khi quận Bắc Từ Liêm và quận Hà Đông vẫn chưa đảm bảo tự cân đối ngân sách.
Phó Chủ tịch UBND TP đã lý giải kỹ hơn về căn cứ phân nhóm các quận huyện khi xác định tỷ lệ phần trăm phân chia khoản thu từ đất và áp dụng cho từng nhóm quận huyện. Trong đó cho biết, với tỷ lệ ngân sách T.Ư điều tiết cho Hà Nội giảm từ 42% xuông 35%, tương đương với mỗi năm giảm 9300 tỷ, 4 năm giảm gần 40000 tỷ.
Thảo luận về nội dung này, các ĐB là lãnh đạo các quận huyện cũng đề xuất ý kiến từ thực tế địa phương, đề nghị TP xem xét đến các khoản chi đặc thù tại địa phương và theo phân cấp kinh tế xã hội mới.

Trước ý kiến của Bí thư quận Bắc Từ Liêm Lê Văn Thư dẫn ra thực tế thu chi tại quận và đề xuất được phân vào nhóm tự cân đối ngân sách, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản: Hoan nghênh đề nghị cả quận, nhưng tự cân đối xảy ra 2 trường hợp, dự toán thu phải giao tăng cho Bắc Từ Liêm, nhưng trên cơ sở đó phải giảm số thu của các đơn vị khác. Nhưng việc tính toán nguồn thu là trên cơ sở các DN trên địa bàn và không thể giảm số thu ở các đơn vị khác. Do đó, đề nghị giữ nguyên như quy định TP đã trình. Thời gian tới, sẽ tiếp tục rà soát trên cơ sở nguyên tắc chung và phù hợp với điều kiện địa phương. 

 Các đại biểu trong giờ giải lao 
Trước ý kiến của ĐB Nguyễn Văn Thắng, Bí thư quận ủy Tây Hồ về quy định không tiếp tục bố trí vốn để duy trì hoạt động của Ban quản lý Hồ Tây. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung về Ban quản lý Hồ Tây. Sau sự cố liên quan đến cá chết ở Hồ Tây. TP đã mời đơn vị tư vấn, khảo sát nghiên cứu các vấn đề liên quan đến Hồ Tây. Từ năm 2011 đến nay quận Tây Hồ đã thực hiện 4 gói hút bùn, nạo vét Hồ Tây, với số vốn 128 tỷ. Nhưng theo khảo sát độc lập, nếu muốn biến Hồ Tây thành khu du lịch lớn, cần một phương án tổng thể cải tạo và quận không đảm đương được, TP cần đứng ra chủ trì. Trên tinh thần đó, TP giao nhiệm vụ này cho Sở Xây dựng. Theo đó, sẽ làm sạch bùn, nước Hồ Tây, thu gom các hệ thống nước thải vào khu xử lý nước thải.
BOX: Chiều cùng ngày, HĐND TP đã thảo luận và quyết nghị phê chuẩn tổng quyết thu, chi ngân sách TP Hà Nội năm 2015. Theo đó, phê chuẩn tổng chi ngân sách cấp TP là hơn 63.576 tỷ đồng. Trong đó, chi chuyển nguồn ngân sách sang năm 2016 là hơn 14 nghìn tỷ đồng. HĐND TP giao UBND TP thực hiện công khai quyết toán ngân sách theo quy định. Chỉ đạo kiểm soát chặt số chi chuyển nguồn ngân sách sang năm 2016 của các đơn vị, đảm bảo chi đúng nhiệm vụ chi theo quy định của luật.