Theo Nghị quyết, tổng số thu ngân sách trung ương năm 2018 là 753.404 tỷ đồng (bảy trăm năm mươi ba nghìn, bốn trăm linh bốn tỷ đồng). Tổng số thu ngân sách địa phương là 565.796 tỷ đồng (năm trăm sáu mươi lăm nghìn, bảy trăm chín mươi sáu tỷ đồng).
Tổng số chi ngân sách trung ương là 948.404 tỷ đồng (chín trăm bốn mươi tám nghìn, bốn trăm linh bốn tỷ đồng), trong đó dự toán 321.151 tỷ đồng (ba trăm hai mươi mốt nghìn, một trăm năm mươi mốt tỷ đồng) để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.
|
Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2018. |
Nghị quyết nêu rõ, phân bổ vốn cho các chương trình, dự án có hiệu quả, có kế hoạch cắt giảm vốn đối với dự án triển khai chậm, bổ sung vốn cho dự án có khối lượng hoàn thành cao, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật, bảo đảm không dư thừa nguồn vốn. Tập trung đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các chương trình, dự án quan trọng quốc gia, các công trình cấp thiết đang đầu tư dở dang, hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng.
Trong giai đoạn 2018-2020, bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương 70% số thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông phần ngân sách trung ương được hưởng phát sinh trên địa bàn từng địa phương năm trước liền kề năm hiện hành. Bố trí 30% còn lại cho Bộ Công an để thực hiện chi cho công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông của các cơ quan trực thuộc, thực hiện mua sắm tập trung một số danh mục cần trang bị thống nhất, đồng thời điều tiết hỗ trợ cho công an một số địa phương có nguồn thu khó khăn để chi phục vụ công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.
Nghị quyết yêu cầu Chính phủ Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, dự toán chi ngân sách địa phương, bội chi ngân sách địa phương, tổng mức vay của ngân sách địa phương (bao gồm vay để bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc), quyết định phân bổ dự toán ngân sách theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật.
Phân bổ vốn đầu tư phát triển ưu tiên thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn ngân sách trung ương; bố trí vốn để thu hồi vốn ứng trước nguồn ngân sách trung ương trong giai đoạn 2016-2020 còn lại chưa thu hồi; kiên quyết cắt giảm số vốn bố trí không đúng quy định; tăng cường các biện pháp để không phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản; hạn chế tối đa việc điều chỉnh danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được cấp có thẩm quyền quyết định.
Thực hiện sắp xếp các khoản chi để bảo đảm kinh phí thực hiện các nhiệm vụ quan trọng và các nhiệm vụ mới tăng thêm trong năm 2018; bố trí kinh phí đầy đủ cho các chính sách đã ban hành; phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi và sử dụng nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương còn dư (sau khi đã bảo đảm đủ nhu cầu cải cách tiền lương của địa phương) để thực hiện các chính sách, chế độ an sinh xã hội do Trung ương ban hành, giảm yêu cầu hỗ trợ từ ngân sách trung ương để thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
Liên quan đến bố trí ngân sách cho các chương trình an sinh xã hội, có ý kiến ĐBQH đề nghị Chính phủ bố trí ngân sách đến năm 2020 trả đủ cho bảo hiểm xã hội khoản nợ 22 nghìn tỷ đồng kinh phí đóng bảo hiểm xã hội cho các đối tượng trước năm 1995. Về vấn đề này, Tiếp thu, giải trình ý kiến ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc Hội cho biết, Chính phủ đã có báo cáo số 480/BC-CP ngày 09/10/2015, UBTVQH đã có Nghị quyết số 1083/2015/UBTVQH13 ngày 16/12/2015, theo đó, đã giao Chính phủ thực hiện việc chuyển kinh phí từ NSNN hằng năm vào quỹ bảo hiểm xã hội để đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và hoàn thành vào năm 2020. Vì vậy, UBTVQH đề nghị Chính phủ chủ động bố trí nguồn hằng năm, thực hiện đúng Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.