Theo đó, việc lập hồ sơ đề xuất đăng ký tham gia làm chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư chỉ áp dụng đối với trường hợp lựa chọn chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư theo quy định tại khoản 1 Điều 9 của Nghị định số 101/2015/NĐ-CP.
Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản (BĐS) có đủ điều kiện và năng lực làm chủ đầu tư dự án theo quy định của pháp luật về nhà ở và pháp luật về kinh doanh BĐS nếu có nhu cầu tham gia làm chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư thì phải chuẩn bị hồ sơ đề xuất đăng ký tham gia làm chủ đầu tư dự án theo quy định để lấy ý kiến của các chủ sở hữu nhà chung cư. Hồ sơ đề xuất đăng ký tham gia làm chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư gồm: Đơn đăng ký tham gia làm chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; Giấy tờ chứng minh vốn pháp định theo quy định của pháp luật kinh doanh BĐS, chứng minh vốn chủ sở hữu theo quy định của pháp luật kinh doanh đất đai; Phương án đề xuất thực hiện dự án, bao gồm các nội dung về phương án sơ bộ thiết kế và quy hoạch tổng mặt bằng của dự án; các chỉ tiêu quy hoạch cơ bản gồm hệ số sử dụng đất, chiều cao trung bình, tổng số lượng căn hộ; các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu của dự án; phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giải pháp tài chính, giải pháp huy động vốn để thực hiện dự án; dự kiến tiến độ thực hiện dự án; các đề xuất khác có liên quan. Về nguyên tắc thực hiện bố trí nhà ở tái định cư, Thông tư nêu rõ, việc bố trí nhà ở tái định cư phải được thực hiện thông qua hợp đồng theo quy định; Việc ký kết hợp đồng để bố trí nhà ở tái định cư phải căn cứ vào phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư đã được UBND cấp tỉnh phê duyệt. Thông tư nêu rõ, trường hợp chủ sở hữu nhà chung cư bị phá dỡ không có nhu cầu tái định cư tại chỗ thì việc ký kết hợp đồng thuê, thuê mua, mua bán nhà ở để bố trí tái định cư được thực hiện như sau: Đối với nhà ở có sẵn thì thực hiện theo quy định tại Nghị định số 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở. Đối với nhà ở hình thành trong tương lai thì thực hiện theo quy định tại Nghị định số 76/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kinh doanh BĐS. Trường hợp chủ sở hữu nhà chung cư bị phá dỡ có nhu cầu tái định cư tại chỗ thì việc ký kết hợp đồng thuê, thuê mua, mua bán nhà ở để bố trí tái định cư được thực hiện như sau: Trường hợp được bồi thường bằng nhà ở và bố trí tái định cư tại chỗ thì chủ sở hữu nhà chung cư bị phá dỡ ký hợp đồng với chủ đầu tư hoặc đơn vị được giao bố trí tái định cư; Trường hợp được bố trí tái định cư theo hình thức cho thuê nhà ở thì thực hiện theo quy định tại Nghị định số 99/2015/NĐ-CP; Trường hợp chủ sở hữu được bố trí tái định cư thuộc diện được mua thêm căn hộ theo quy định tại khoản 3 Điều 4 của Nghị định số 101/2015/NĐ-CP thì việc ký kết hợp đồng mua bán căn hộ mua thêm đối với nhà ở hình thành trong tương lai thực hiện theo quy định tại Nghị định 76/2015/NĐ-CP, đối với nhà ở có sẵn thực hiện theo quy định tại Nghị định số 99/2015/NĐ-CP.
Chung cư cũ G6a Thành Công (quận Ba Đình, Hà Nội) là tòa nhà có mức độ nguy hiểm hạng D, phải khẩn cấp di dời. |