Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thu, chi ngân sách ghi nhận những chuyển biến tích cực

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lắp ráp ô tô là một trong những ngành có số thuế thu nhập doanh nghiệp tăng cao. Ảnh: Trần Việt

Trong các chỉ tiêu kế hoạch, thu và chi ngân sách (NS) có tầm quan trọng hàng đầu, vì không chỉ là hiệu quả của hiệu quả nền kinh tế, mà là chỉ tiêu có tính pháp lệnh rõ nhất, trực tiếp nhất. Kết quả thực hiện thu, chi NS được quan tâm đặc biệt. Và trong 2 tháng đầu năm, hoạt động này đã ghi nhận những tín hiệu tích cực

Tăng thu, kiểm soát chi

Trong thu NS, kết quả tích cực dễ nhận thấy nhất là thực hiện đã đạt tỷ lệ khá (16,7%) so với dự toán cả năm; tỷ lệ thực hiện này là tín hiệu khả quan để cả năm có thể đạt và vượt dự toán đề ra. So với cùng kỳ năm trước, tổng thu 2 tháng đầu năm nay tăng tới 17,3% - tốc độ tăng khá cao, không phải ngành, lĩnh vực nào cũng đạt được.
Lắp ráp ô tô là một trong những ngành có số thuế thu nhập doanh nghiệp tăng cao.  	Ảnh: Trần Việt
Kinhtedothi - Lắp ráp ô tô là một trong những ngành có số thuế thu nhập doanh nghiệp tăng cao. Ảnh: Trần Việt
Trong 3 khoản thu lớn nhất, thu nội địa là khoản thu phản ánh rõ nhất hiệu quả của hiệu quả nền kinh tế, chiếm tỷ trọng lớn nhất (77,4%) và cũng đạt tỷ lệ so với dự toán cả năm lớn nhất (18,4%). Đây cũng là khoản thu có tốc độ tăng cao nhất so với cùng kỳ (24,7%). Điều đó chứng tỏ sản xuất, kinh doanh một mặt đã có dấu hiệu phục hồi tăng trưởng, mặt khác hiệu quả hoạt động đã được cải thiện một bước quan trọng. Những tập đoàn, DN có số thuế thu nhập DN tăng cao như Viettel, 4 ngân hàng thương mại Nhà nước, các DN sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước. Điều này càng có ý nghĩa, khi thu từ dầu thô mới đạt thấp so với dự toán năm (12,5%) và giảm tương đối sâu so với cùng kỳ (giảm 20,2%); khi thu cân đối NS từ xuất nhập khẩu cũng đạt thấp so với dự toán cả năm (12,8%) và tăng thấp so với cùng kỳ (10,6%).

Trong thu nội địa, tỷ lệ thực hiện dự toán cả năm cao hơn tỷ lệ của thu nội địa có các khoản quan trọng là thu từ khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh (20,1%); thu thuế thu nhập cá nhân (19,6%); thu từ DN có vốn đầu tư nước ngoài (18,5%). So với cùng kỳ, các khoản thu nội địa có tốc độ tăng khá, trong đó của khu vực DN Nhà nước tăng rất cao (29,3%), của khu vực công thương nghiệp ngoài Nhà nước (20,1%), của DN có vốn đầu tư nước ngoài (16,1%).

Tổng chi so với dự toán cả năm đạt tỷ lệ thấp hơn (15%) và so với cùng kỳ cũng tăng thấp hơn (11,3%). Chi trả nợ và viện trợ đạt tỷ lệ cao nhất (17,4%), đồng thời cũng là khoản chi tăng cao nhất so với cùng kỳ (23,8%); điều đó thể hiện việc thực hiện cam kết trả nợ được coi trọng.

Do tỷ lệ thực hiện so với dự toán cả năm của tổng chi thấp hơn của tổng thu (15% so với 16,7%), nên bội chi NS đạt tỷ lệ thấp so với dự toán năm (9%) và giảm so với cùng kỳ (giảm 19,6%). Đây là tín hiệu khả quan để có thể cả năm, tỷ lệ bội chi NS so với GDP ở mức dưới 5%, không những giảm so với năm trước (5,3%), mà cũng không cao như mục tiêu (5%). Khi bội chi giảm thì một trong những cán cân kinh tế vĩ mô quan trọng được cải thiện một bước, tạo điều kiện giảm tỷ lệ nợ công/GDP, tạo điều kiện để kiểm soát lạm phát...

Và những thách thức

Tuy đạt được những kết quả tích cực và có những tín hiệu khả quan, nhưng trong thu, chi NS 2 tháng đầu năm cũng còn những hạn chế, bất cập và đứng trước những thách thức không nhỏ.

Thu từ dầu thô đạt tỷ lệ thấp so với dự toán năm và giảm so với cùng kỳ, chủ yếu do giá xuất khẩu dầu thô bị giảm mạnh so với cùng kỳ (56,9%); do giá giảm đã làm giảm tới gần 800 triệu USD (nhờ lượng xuất khẩu tăng 37,2%, nên kim ngạch chỉ còn giảm 418 triệu USD). Tuy nhiên, giá xuất khẩu dầu thô đã có xu hướng tăng lên; giá xăng dầu nhập khẩu cũng giảm 48,3% so với cùng kỳ, làm giảm 579 triệu USD, góp phần giảm và giữ giá bán lẻ xăng dầu.

Thu cân đối NS từ xuất nhập khẩu cũng đạt thấp so với dự toán cả năm và tăng thấp so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu do xuất khẩu tăng chậm lại (2 tháng tăng 8,6%); giá nhập khẩu giảm mạnh (giá lúa mì giảm 12,7%, giá xăng dầu giảm 48,3%, giá khí đốt hóa lỏng giảm 51,5%, giá phân bón giảm 0,3%...); mức thuế xuất, nhập khẩu giảm theo cam kết hội nhập... Đây cũng là xu hướng khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do song phương (FTA) thế hệ mới như: FTA giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu (EVFTA), FTA Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), FTA Việt Nam - Liên minh Hải quan Nga – Belarus - Kazakhstan (VCUFTA); khả năng tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), sự ra đời của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC)...

Điều quan trọng là phục hồi tăng trưởng để tăng GDP, làm cho chiếc bánh GDP to ra, tuy tỷ lệ động viên GDP vào NS không tăng nhưng quy mô tuyệt đối thu nội địa sẽ tăng, chống thất thu, nợ đọng, lãng phí, tham nhũng và quan trọng hơn là nâng cao hiệu quả đầu tư, nâng cao năng suất lao động, bởi thu NS là hiệu quả của hiệu quả...