1. Nổi tiếng về sự cầu kỳ ấy là thú chơi hoa thủy tiên. Tưởng rằng, thú chơi này chỉ có trong sách vở, bởi giờ đây, cuộc sống bận rộn, vội vã thế này, mấy ai dư dả thời gian ngồi tỉa tót từng củ thủy tiên, đợi đến 30, Mùng 1 Tết hoa bừng ra khoe hương sắc.
Vẫn còn nguyên đó thú chơi hoa cầu kỳ của người Hà Nội, dù người sống ở Thủ đô bây giờ phần nhiều không phải là người Hà Nội gốc. Nhưng người nọ vẫn rỉ tai người kia, nếu đêm giao thừa, trong nhà có bông thủy tiên nở, đó là năm vô cùng may mắn, nhiều tài nhiều lộc.
|
Người dân chọn mua đào chơi Tết. Ảnh: Chiến Công |
Chị Hà Thủy, một người đã sống ở Hà Nội gần 30 năm nhớ lại, chị phải lòng hoa thủy tiên bởi trong những cái Tết đầu tiên ở Hà Nội, được một người bạn ở phố Mã Mây mời về ăn Tết. Trong phòng khách nhà bạn có bát thủy tiên khoe sắc. Ở đó, chị Thủy được biết, đây là thú chơi tao nhã, nhưng lại rất cầu kỳ. Nhưng điểm gây nghiện của giỏ thủy tiên với chị Thủy, chính là bởi thủy tiên chỉ ngâm trong nước sạch mới ra được những bông hoa đẹp trắng muốt, màu hoa ấy tượng trưng cho cốt cách thanh tao một con người. Bên cạnh đó, thủy tiên đặc biệt hơn các loại hoa khác, có thể chơi được 5 thứ: Hoa, mùi thơm, lá, củ và rễ. Chính vì vậy, thời nay dù sống trên chung cư hiện đại, cứ đến chiều 29 Tết, chị lại đến chợ Bưởi, gặp cụ bà bán thủy tiên quen thuộc để rước về một bát thủy tiên chơi Tết. Số người chơi hoa thủy tiên trong dịp Tết như chị Thủy bây giờ không phải ít. Thậm chí, có những người chơi hoa thủy tiên theo phong trào.
2. Bên cạnh sự cầu kỳ, kỹ lưỡng trong chơi thủy tiên thì chơi đào là thú chơi phổ thông và hấp dẫn số đông người Hà Nội.
Hoa đào có ý nghĩa mang Xuân vào nhà, còn cây quất có ý nghĩa mang lộc về trong năm mới. Đây là hai loài cây thường xuất hiện trong nhà của nhiều gia đình.
Nhưng để trở thành thú chơi, người Hà Nội xưa nay tỏ rõ sự cầu kỳ. Nhiều người, Tết năm nào cũng phải lên vườn đào Nhật Tân, chợ hoa Quảng Bá để lựa một cành đào thế. Với họ, không thích những cành đào được uốn tròn, giống nhau. Đây cũng là sở thích của nhiều người. Nhất định phải tận tay tận mắt ngắm nghía, chọn lựa một cành đào phai thật ưng để cắm trong phòng khách.
Có người lại dành hẳn mấy tuần để chọn cho kỳ được một cành đào phai ưng ý. Đào phai là đúng đào ta, thế lại còn phải tự nhiên, không cầu kì. Bình cắm hoa cũng không được lòe loẹt mà chỉ là cái chum hoặc lọ sành lớn, đúng chất mộc mạc dân dã.
Cầu kỳ vào bậc nhất và thể hiện “đẳng cấp” riêng người Hà Nội phải nói đến đào thất thốn. Anh Hàm, một người “đắm đuối” với đào thất thốn lâu năm trên làng hoa Nhật Tân kể rằng, cây đào này dáng rất bé nhỏ, chỉ cao chừng 1m. “Nhỏ nhưng có võ”, thất thốn khiến người khác say mê bởi sự kỳ lạ của mình. Đó là gốc cây xù xì, mốc meo, nhiều người không biết tưởng là cây củi mục, từ thân đến ngọn chẳng có lá có chồi, nụ lại đen sì như đã bị kẹn, không nở được. Có khi hoa mọc giữa thân, có khi còn mọc sát đất, có khi nụ đấy mà vài năm mới nở hoa. Khi nở thì hoa có hai màu nhung đỏ và hồng phai, có mùi hương rất dễ chịu. Cánh hoa đào thất thốn không giống đào thường mà dày từ 30 - 50 cánh, nở bung xung quanh, khi tàn không rụng cánh mà vẫn còn nguyên trên đài. Giống như người đẹp trong cung cấm, đào thất thốn “tốn” công chăm bón vô cùng vì chậm lớn. Thời gian để cây “vào độ” mất từ 10 - 12 năm mà rủi ro nhiều nên chẳng mấy ai đủ độ kiên trì mà chăm. Giới chơi đào thất thốn không chỉ là người có tiền mà còn phải biết thưởng thức nên rất kín tiếng.