Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thư gửi con gái đi lấy chồng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Từ ngày lấy chồng con đã làm được những gì? Hay chỉ mỗi việc sinh cho nhà họ đứa con? Đừng thấy mình oai và lấy làm hãnh diện về những gì bố mẹ cho.

KTĐT - Từ ngày lấy chồng con đã làm được những gì? Hay chỉ mỗi việc sinh cho nhà họ đứa con? Đừng thấy mình oai và lấy làm hãnh diện về những gì bố mẹ cho. Đáng trân trọng hơn hết phải là của cải, là công lao của chính con, con ạ.

Con về mắt hoe đỏ, chán chường ôm lấy mẹ nức nở. Con bực bội, giận dỗi vì chồng đã hết yêu vợ, không thông cảm và hiểu cho những cống hiến con dành cho ngôi nhà ấy, đi làm về chẳng bao giờ giúp con một tay, mình con phải đảm đương mọi việc.

Những lời ấy khiến mẹ nghẹn ngào, vừa thương vừa trách con. Bởi có khi mẹ nghe cả họ hàng, làng xóm bên ấy họ ý kiến về con, mang đến làm “quà” cho mẹ. Mẹ nói con nghe nhé!

Con đã chấp nhận ở nhà làm nội trợ, nghỉ ngơi, yên tâm sinh đẻ rồi nuôi con... thì phải cố gắng hết sức làm tròn công việc của mình, chẳng ai làm thay con được, mẹ có giúp cũng chỉ mang tính hỗ trợ, vì ai cũng có việc của mình.

Từ ngày lấy chồng con đã làm được những gì? Hay chỉ mỗi việc sinh cho nhà họ đứa con? Đừng thấy mình oai và lấy làm hãnh diện về những gì bố mẹ cho. Đáng trân trọng hơn hết phải là của cải, là công lao của chính con, con ạ.

Từ thời con gái, lập trường của con đã không vững. Bảo đi học kiếm cái nghề con không chịu: “Ra chợ kinh doanh mới mau giàu”! Con học lực trung bình, vừa tốt nghiệp cấp ba đã đòi kiếm chác của thiên hạ ư con?

Vậy nên mẹ không đồng ý. Mẹ muốn con trước hết phải đi bán hàng thuê để có kinh nghiệm cũng như kiếm chút vốn riêng. Vậy mà con chẳng kiên nhẫn, nhất quyết đòi lấy chồng, rồi có bầu, chỉ ở nhà quanh quẩn.

Ngày ngày con hết sang nhà mẹ đẻ lại ra chợ tán phét với lũ bạn bán hàng ngoài đó, trưa trật mới về, ăn uống xong đánh một giấc đến chiều. Chồng đi làm về nhà cửa bừa bộn sao nó chịu được?

 

Đi làm đâu phải chỉ là ngồi điều hòa, vắt chân chữ ngũ mà cuối tháng nhận lương? Đổ mồ hôi sôi nước mắt, vắt óc suy nghĩ thì mới ra tiền, nhọc nhằn và vất vả vậy mà về đến tổ ấm, tưởng được nghỉ ngơi, thì vợ lại yêu cầu “chia sẻ việc nhà”. Như thế, chính con đã tự đẩy chồng ra xa gia đình đó.

Nhớ hồi thằng bé được bốn tháng, mẹ tình nguyện trông cháu để con có thể tạo dựng công việc cho mình. Con quả quyết đi làm công nhân cũng được, cốt có tiền nuôi con. Dẫu đã được nhiều người khuyên con vẫn mặc, để rồi làm được hai tháng, công việc dồn dập, mệt mỏi, căng thẳng, con gầy đằng con, mẹ hốc hác đằng mẹ, con lại xin thôi, bỏ về học may để mở cửa hàng gần nhà dễ bề trông con. Mẹ thấy hợp lý nên vui vẻ ủng hộ, vậy mà con học chưa đâu vào đâu đã dừng, quay về mẹ con ôm nhau cho hết ngày. Mẹ là mẹ con, còn thấy chán ngắt, thử hỏi gia đình chồng còn buồn bực, khổ tâm đến mức nào?

Con hãy thay đổi mình trước khi đòi hỏi ở người khác. Ngôi nhà không thể trở thành mái ấm nếu không có bàn tay người phụ nữ biết chu toàn.