Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thu hẹp khác biệt, hóa giải bất đồng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 3/6, Hội nghị thượng đỉnh Nga - Liên minh châu Âu (EU) lần thứ 31 khai mạc tại thành phố Yekaterinburg, Nga. Đây được xem là cơ hội để hai bên thảo luận một cách cởi mở về những vấn đề còn tồn tại sau cuộc gặp hồi tháng 12 năm ngoái, từng bước hóa giải bất đồng và mâu thuẫn của Nga và EU.

 Với tư cách vừa là đối tác chiến lược, vừa là đối thủ thuộc hai cực trên chính trường thế giới, Nga và EU đều hy vọng Hội nghị Thượng đỉnh Nga - EU được tổ chức hai lần một năm là cơ hội để hai bên tìm được tiếng nói chung trong các vấn đề song phương và quốc tế vốn còn tồn tại nhiều bất đồng. Vì thế, không ngạc nhiên, khi trong hai ngày diễn ra hội nghị (3 - 4/6), chương trình nghị sự dày đặc với các vấn đề quan trọng đã được đưa ra. Theo đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso và các quan chức khác của hai bên sẽ thảo luận về tình hình kinh tế thế giới, tình hình kinh tế Nga và EU, hoạt động của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi G20 mà Nga đang giữ cương vị chủ tịch luân phiên. Đặc biệt, vấn đề về Syria, tình hình tại Trung Đông - Bắc Phi, chương trình hạt nhân của Iran, tình hình trên bán đảo Triều Tiên và khu vực Trung Á cũng nằm trong chương trình bàn thảo của hội nghị lần này.
 
Thu hẹp khác biệt, hóa giải bất đồng - Ảnh 1
Tổng thống Nga Putin, Chủ tịch EU Rompuy và Chủ tịch EC Barroso kỳ vọng Hội nghị thượng đỉnh lần này sẽ thu hẹp sự khác biệt trong quan hệ về các vấn đề quốc tế. Ảnh: REUTERS.

Từ nhiều năm qua, dù đã có những bước tiến triển nhất định nhưng tranh cãi về các tuyến đường ống dẫn dầu, rào cản thương mại đối với một số mặt hàng xa xỉ hay xe hơi... đã không ít phen gây sóng gió trong quan hệ giữa Nga - EU. Đặc biệt, việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ chống tên lửa (NMD) tại Ba Lan và Séc đã khiêu khích Nga. Moscow xem đây như một mối đe dọa có thể dẫn tới tình trạng mất cân bằng chiến lược và nhiều lần thẳng thừng tuyên bố, NMD vẫn là vấn đề phức tạp nhất trong quan hệ giữa Nga và EU. Tuy nhiên, dù quan hệ giữa Nga và Liên minh châu Âu (EU) đã trải qua không ít biến cố nhưng bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy khó khăn hiện nay đã buộc hai bên phải bỏ qua những bất đồng, hâm nóng quan hệ nhằm mong đạt được mục tiêu chung. Nga phải “tranh thủ” EU để trở thành nhà cung cấp năng lượng hàng đầu thế giới, thâm nhập nhiều hơn vào thị trường hàng hóa rộng lớn của châu Âu. Ngược lại, EU cũng phải nhún nhường trước Nga nhằm giữ chân một trong những đối tác thương mại lớn nhất hiện nay, cũng như đảm bảo nguồn cung năng lượng, vốn đã bị cắt giảm đáng kể sau khi thực thi lệnh cấm vận với Iran.