Rõ ràng, bài toán Triều Tiên không dễ giải đối với Mỹ - Hàn nhất là khi hai nước quyết định đi ngược lại lời kêu gọi của Bình Nhưỡng để tiến hành cuộc tập trận chống tàu ngầm tại vùng biển phía Tây của Hàn Quốc từ 6 - 10/5. Với những tuyên bố, động thái đe dọa được đưa ra suốt 3 tháng qua, không ai dám đảm bảo rằng, sự hiện diện của các tàu khu trục, tàu ngầm và máy bay giám sát của liên quân Mỹ - Hàn sẽ không làm Bình Nhưỡng nổi giận. Và khi đó, không biết điều gì sẽ xảy ra với bán đảo Triều Tiên nói riêng và khu vực Đông Bắc Á nói chung.
Điều đáng nói là qua cách xử lý căng thẳng giữa hai miền kể từ khi nhậm chức từ tháng 12/2012, bà Park tỏ ra mềm mỏng, kiên nhẫn với Bình Nhưỡng hơn người tiền nhiệm Lee Myung-bak. Bà không đưa vấn đề viện trợ lương thực cho miền Bắc là điều kiện để hòa đàm mà tiếp tục tìm cách đối thoại với Triều Tiên dựa trên nền tảng ngoại giao và chính trị dựa trên niềm tin. Dù chủ nhân Nhà Xanh và Nhà Trắng nhiều lần khẳng định rằng bất kỳ hành động khiêu khích quân sự nào từ Triều Tiên sẽ bị đáp trả một cách mạnh mẽ nhưng về cơ bản cả Seoul và Washington vẫn chủ trương áp dụng chính sách "cây gậy và củ cà rốt" với Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, việc "vừa đánh vừa xoa" Triều Tiên để duy trì sự ổn định của khu vực Đông Bắc Á không phải là một điều dễ dàng vì ban lãnh đạo mới của Bình Nhưỡng đang sử dụng hạt nhân như một ưu tiên chiến lược trong chính sách đối nội và đối ngoại. Vì vậy, mục tiêu đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán của chủ nhân Nhà Xanh trong chuyến thăm Nhà Trắng rất khó có thể thực hiện được.
Tín hiệu khả quan duy nhất mà bà Park có thể thực hiện được trong khuôn khổ chuyến thăm này là trấn an các nhà đầu tư Mỹ. Không chỉ là đồng minh chiến lược, Mỹ còn là đối tác thương mại lớn thứ hai của Hàn Quốc với kim ngạch hai chiều đạt gần 59 tỷ USD trong năm 2012.