Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thu hút đầu tư nước ngoài của Hà Nội: Đổi thay về chất

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi -  Trong buổi tiếp đoàn doanh nghiệp Nhật Bản do ông Nakagaky Yoshihiko, Phó Chủ...

Kinhtedothi -  Trong buổi tiếp đoàn doanh nghiệp Nhật Bản do ông Nakagaky Yoshihiko, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến ngoại giao nhân dân, kiêm Chủ tịch Ủy ban Văn hóa và Kinh tế Nhật Bản dẫn đầu sang thăm và làm việc tại Việt Nam (ngày 21/11), Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu một lần nữa khẳng định, TP sẽ tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), các doanh nghiệp Nhật Bản tìm kiếm cơ hội và đầu tư vào Hà Nội.

Những dấu hiệu khả quan

Năm 2013, Hà Nội đặt mục tiêu thu hút 1,3 tỷ USD vốn FDI. Để đạt mục tiêu này, ngay từ đầu năm, một loạt các giải pháp đẩy mạnh thu hút đầu tư đã được UBND TP Hà Nội đưa ra. Cụ thể, TP đã triển khai Đề án nâng cao hiệu quả nguồn vốn FDI trên địa bàn TP giai đoạn 2011- 2015 thông qua việc đơn giản hóa và rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và nhà đầu tư, xây dựng các chương trình xúc tiến đầu tư và danh mục kêu gọi FDI giai đoạn 2013 - 2015; nghiên cứu, xây dựng chương trình kế hoạch hành động thu hút FDI của Nhật Bản đến năm 2015…
Kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi xuất xưởng tại Công ty Canon Việt Nam.         Ảnh: Hải Linh
Kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi xuất xưởng tại Công ty Canon Việt Nam. Ảnh: Hải Linh
 
Kể từ khi bắt đầu, dự án của Lotte đã nhận được sự quan tâm và hướng dẫn cụ thể của chính quyền TP, đặc biệt trong việc phối hợp giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan đến đầu tư, xây dựng. Những chính sách và sự hỗ trợ của Hà Nội là yếu tố quan trọng thúc đẩy quyết định của Lotte tiếp tục mở rộng đầu tư tại Hà Nội trong thời gian tới với 2 siêu thị sẽ được khai trương vào năm 2014.

Ông Lee Jong Kook - Tổng Giám đốc Lotte  Hà Nội
Theo số liệu của Sở KH&ĐT, đến hết tháng 10, TP đã cấp mới và điều chỉnh cho 315 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư thu hút đạt 1,01 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ, và đạt 77,8% kế hoạch năm 2013. Cụ thể, UBND TP Hà Nội đã thực hiện cấp mới và điều chỉnh cho 279 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 592,6 triệu USD; Ban quản lý (BQL) các khu công nghiệp, khu chế xuất thực hiện cấp và điều chỉnh cho 35 dự án, với tổng vốn đăng ký đạt 417,5 triệu USD; BQL Khu công nghệ cao Hòa Lạc thực hiện cấp mới cho một dự án với tổng vốn đạt 1,4 triệu USD. Cùng với kết quả thu hút đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp FDI trên địa bàn Thủ đô trong 10 tháng đầu năm vẫn được duy trì ổn định và có sự tăng trưởng nhẹ. Theo đó, vốn thực hiện đạt 638,5 triệu USD, đạt 91% so với cùng kỳ 2012. Doanh thu đạt 8,65 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 3.602,2 triệu USD, chiếm tỷ trọng 48,6% tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn, tăng 0,4% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu đạt 3.546 triệu USD, chiếm tỷ trọng 20,5% kim ngạch nhập khẩu toàn TP, nộp ngân sách của khu vực FDI  trong 10 tháng đầu năm tăng 22% so với cùng kỳ 2012. Cơ cấu nguồn vốn FDI cũng có những chuyển biến, tập trung mạnh vào thông tin, truyền thông (42,9%); kinh doanh bất động sản (22,2%); công nghiệp chế biến, chế tạo (11,9%); còn lại là mua bán hàng hóa và các lĩnh vực khác...

Ghi nhận thêm  những dự án lớn
Là một trong 2 trung tâm kinh tế lớn với tỷ lệ đóng góp 10,6% GDP, 13,6% giá trị sản xuất công nghiệp và 9% kim ngạch xuất khẩu cả nước, Hà Nội có hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ và phát triển với các khu công nghiệp, sân bay quốc tế Nội Bài, các tuyến đường nối Cảng Hải Phòng và Cái Lân (Quảng Ninh) cách Hà Nội 120km. Đây là những lợi thế trong thu hút các dự án đầu tư. Hiện các doanh nghiệp FDI đang đóng góp khoảng 16% vào GDP TP/năm, 35% kim ngạch xuất khẩu và khoảng 10% thu ngân sách...
Cùng với số liệu tổng hợp của Sở KH&ĐT, thông tin từ BQL các khu công nghiệp, khu chế xuất Hà Nội, Khu công nghệ cao Hòa Lạc cho thấy tình hình thu hút FDI của Thủ đô Hà Nội những tháng cuối năm đang hứa hẹn nhiều dấu hiệu khả quan. Hiện, các ngành chức năng của TP đang hoàn thiện thủ tục cấp mới và điều chỉnh cho 7 dự án FDI, nếu thành công, số vốn FDI vào Hà Nội trong năm 2013 có thể vượt 20 - 30% kế hoạch đề ra.

Ngoài ra, tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Công ty Gemtek - Đài Loan (Trung Quốc) hoạt động trong lĩnh vực thiết bị mạng, viễn thông và linh kiện điện tử cũng đang tìm hiểu đầu tư với tổng vốn đầu tư dự kiến 300 triệu USD.

Theo đánh giá của Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Ngô Văn Quý, đây là kết quả khá, ghi nhận những nỗ lực của TP trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và thế giới còn nhiều khó khăn, đặc biệt Hà Nội không còn nhiều quỹ đất sạch để thu hút được những dự án FDI.  "Bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu áp dụng đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), thu hút vốn FDI có chọn lọc và hiệu quả, TP cũng đã có yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện, thị xã đề xuất danh mục dự án thuộc lĩnh vực quản lý làm cơ sở kêu gọi đầu tư. Và cùng với các hiệp định thương mại tự do (FTA) giúp mở rộng thị trường xuất khẩu là những định hướng mà TP tập trung thời gian tới nhằm tạo sự chuyển biến trong phát triển kinh tế của TP" - Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Sửu khẳng định.