Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thu hút đầu tư vào khoa học công nghệ trong nông nghiệp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 6/12, tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT phối hợp cùng Bộ KH&CN tổ chức hội thảo “Khoa học và công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới”. Tới dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đầu tư phát triển nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật phục vụ nông nghiệp. Nhiều kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ về giống, chế phẩm sinh học, quy trình công nghệ mới đã được chuyển giao áp dụng hiệu quả vào sản xuất, góp phần nâng cao vị thế hàng nông sản Việt Nam trên thế giới.
Thu hút đầu tư vào khoa học công nghệ trong nông nghiệp - Ảnh 1
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm gian hàng trưng bày tại khu vực hội thảo.
Tuy nhiên, trình độ khoa học công nghệ nông nghiệp hiện còn thấp và chậm phát triển, chưa đáp ứng được yêu cầu là nền tảng và động lực phát triển kinh tế - xã hội. Nghiên cứu còn phân tán, thiếu tính đột phá và tính ứng dụng không cao. So với các nước trong khu vực, các công trình nghiên cứu cơ bản của Việt Nam có chất lượng thấp chỉ bằng 1/3 so với Thái Lan, 1/4 của Malaysia và 1/6 của Singapore…

Hiện nay cả nước hiện có hơn 33.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó trên 93% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, mức đầu tư cho đổi mới công nghệ chiếm tỷ lệ nhỏ trên tổng số doanh thu, hầu hết các doanh nghiệp có vốn dưới 10 tỷ đồng… Điều đáng nói, trong giai đoạn 2008 - 2013, tổng kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ cấp cho Bộ NN&PTNT khoảng 4.000 tỷ đồng, nhưng có tới 32% chi cho lương và hoạt động bộ máy.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, khoa học và công nghệ được xác định là một trong những khâu đột phá phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, có vai trò lớn trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh và duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành. Trong những năm qua, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư nghiên cứu chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi, nhiều nông dân đã mạnh dạn cải tiến kỹ thuật sản xuất. Mặc dù sự tham gia của doanh nghiệp trong nghiên cứu khoa học công nghệ ngày càng nhiều nhưng vẫn còn hạn chế. Do đó, cần phải đổi mới chính sách về khoa học công nghệ, thu hút và khuyến khích doanh nghiệp chủ động tham gia mạnh mẽ hơn vào nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ, liên kết chặt chẽ hơn giữa các viện, trường, trung tâm khuyến nông với các doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cũng chỉ ra rằng, trong 3 năm qua ngành KH&CN đã tiến hành tái cơ cấu quản lý, từ đầu tư đến tài chính và xây dựng đội ngũ cán bộ.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, trách nhiệm không chỉ của riêng Nhà nước mà của toàn xã hội. Doanh nghiệp là đối tượng sử dụng kết quả nghiên cứu, là trung tâm của quá trình đổi mới công nghệ và biến công nghệ thành sản phẩm cho xã hội nên vai trò của doanh nghiệp trong nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ rất quan trọng.

Phát biểu kết luận hội nghị vào cuối giờ chiều nay, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, những năm qua ngành nông nghiệp là chỗ dựa cho nên kinh tế và là ngành có tính xã hội cao và chúng ta đã trở thành nước xuất khẩu rất lớn về nông nghiệp. Theo Phó Thủ tướng, dù chúng ta còn nhiều yếu kém, nhưng lực lượng nghiên cứu khoa học công nghệ không chỉ là các giáo sư, tiến sĩ mà còn có cả sự sáng tạo của từng người dân. Vấn đề đặt ra hiện nay là rà soát lại xem việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học trong nông nghiệp còn vướng mắc về cơ chế thì Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN và Chính phủ tìm hướng tháo gỡ.

Cũng theo Phó Thủ tướng, cần khuyến khích doanh nghiệp mở viện nghiên cứu tư nhân, hợp tác với các viện nghiên cứu của Nhà nước và hướng tới các viện phải hạch toán như doanh nghiệp.