Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thu hút đầu tư vào nông nghiệp: Gỡ vướng ngay từ chính sách

Thắng Văn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính phủ cũng như các bộ, ngành đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ DN đầu tư vào nông nghiệp, song chưa thực sự hiệu quả và thiếu tính thực tiễn khiến cho DN không mặn mà “xuống vốn”.

Đó là những vấn đề được nêu ra tại Diễn đàn đối thoại với DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn do Bộ NN&PTNT phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức cuối tuần qua.
Trăn trở “nỗi niềm” cũ
Nông nghiệp luôn được coi là ngành có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam khi nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu của nước ta đã có vị trí vững chắc trên thị trường quốc tế. Thế nhưng, một nghịch lý là số DN đầu tư vào lĩnh vực này còn khá khiêm tốn, hiện chỉ mới chiếm từ 1 – 2% tổng số DN của cả nước. Những rào cản, vướng mắc dẫn tới thực trạng này đã được các DN nói đến rất nhiều trong thời gian qua như rủi ro về thiên tai, thời tiết, bất cập trong cơ chế đất đai, tín dụng, thuế… Tuy nhiên, những vấn đề tưởng chừng như cũ rích, “nói đi nói lại” ấy vẫn thực sự trở thành mối quan tâm, trăn trở của phần đông các DN đang đầu tư hoặc muốn đặt chân vào địa hạt nông nghiệp. Bởi thế mà cuộc đối thoại được kéo dài thêm nửa ngày so với dự kiến ban đầu theo đúng nguyện vọng của các DN.

Đóng gói gạo sạch tại Công ty Giống cây trồng, con nuôi Ninh Bình. Ảnh: Quang Thiện

Góp mặt trong diễn đàn lần này là khá nhiều DN lớn trong lĩnh vực nông nghiệp, nên tiếng nói của họ một lần nữa khẳng định các chính sách hỗ trợ cho lĩnh vực trọng yếu này, dù đã được cải thiện song vẫn chưa bám sát thực tiễn. Ông Đinh Cao Khuê - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, một DN xuất khẩu rau quả chia sẻ, nông nghiệp là một trong những ngành xuất siêu, mang lại giá trị nhiều nhất, song chính sách hỗ trợ lại hầu như ít nhất. Chưa kể, các chính sách hiện nay còn nhiều bất cập, trong đó có chính sách đất đai. Ông Khuê ví dụ, thu hồi đất làm khu công nghiệp thì thủ tục đơn giản, nhưng nếu thu hồi đất từ 10ha trở lên để DN đầu tư vào nông nghiệp thì lại rất khó khăn, phải xin ý kiến qua nhiều cấp. Bên cạnh đó, vấn đề quy hoạch và quản lý quy hoạch của cơ quản lý Nhà nước còn yếu kém khiến cho DN “trở tay không kịp” khi vùng nguyên liệu bị phá vỡ.
Ở một góc độ khác, bà Thái Hương – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH Group cho rằng, hiện nay, giữa các bộ, ngành không kết nối với nhau một cách bài bản để cùng hỗ trợ DN. Bên cạnh đó, một số sản phẩm nông nghiệp vẫn chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật nên sức cạnh tranh và hòa nhập quốc tế bị hạn chế, đặc biệt là tạo mảnh đất cho các DN làm ăn “lởm khởm” trục lợi. “Sự kết hợp giữa các bộ, ngành phải đồng bộ và có người cầm trịch. Ví dụ chính sách nông nghiệp thì nên giao cho Bộ NN&PTNT cầm trịch, chứ đừng để DN đi từng bộ, ngành cầu cạnh” – bà Hương đề nghị.
Đổi mới cơ chế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
Theo số liệu của Bộ KH&ĐT, trong 9 tháng đầu năm 2016, cả nước đã có khoảng 91.000 DN mới thành lập; riêng lĩnh vực nông nghiệp có 1.342 DN thành lập mới, tăng hơn nhiều lần so với những năm trước.
Hiện nay, ngành nông nghiệp đang tích cực chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Một trong những giải pháp trọng tâm để tái cơ cấu mà Bộ NN&PTNT đưa ra là thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị và hiệu quả canh tác. Để có thể vươn lên giữ vai trò chủ đạo trong chuỗi giá trị sản xuất, tại diễn đàn đối thoại, nhiều DN đề nghị các bộ, ngành, nhất là Bộ NN&PTNT cần tích cực đổi mới cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi cho DN đầu tư vào nông nghiệp. Trong đó, lựa chọn những mặt hàng chủ lực, thế mạnh để có từng chính sách ưu tiên cụ thể.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, sự góp mặt của nhiều DN, tập đoàn lớn như TH True Milk, Dabaco, Vingroup, Hòa Phát… đầu tư vào nông nghiệp đã phần nào giúp cho ngành có sự khởi sắc. Ông Cường khẳng định, Chính phủ luôn quan tâm đến cải thiện môi trường đầu tư và khuyến khích các DN đầu tư vào nông nghiệp một cách bài bản, hình thành các chuỗi giá trị: “Các chính sách ưu đãi đầu tư thời gian tới sẽ mang tính đột phá và sát với thực tiễn để thu hút DN yên tâm đầu tư vào nông nghiệp”.
Lãnh đạo Bộ NN&PTNT, VCCI cho biết thêm, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành tập trung trong thời gian ngắn nghiên cứu, chỉnh sửa Nghị định 210 về thu hút đầu tư vào nông nghiệp. Trong đó, tập trung vào chính sách ưu tiên DN đầu tư lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT đang phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan tháo gỡ những “nút thắt” khác như đất đai, tín dụng ngân hàng… để thu hút DN và các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp.