Đây là con số đáng mừng cho ngành du lịch, nhưng điều đáng buồn khi khách Tây Âu giảm. “Con át chủ bài” của các điểm du lịch Việt đang chuyển hướng sang khách Hàn Quốc và Trung Quốc.
Phụ thuộc khách châu Á
Một điều rõ ràng mà ngay cả những người không rành về du lịch cũng có thể nhìn ra chính là sức hấp dẫn và chỗ đứng của Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới. Mảnh đất hình chữ S có diện tích không quá lớn nhưng lại được thiên nhiên ưu ái địa hình phong phú, từ bờ biển dài đến núi đồi hùng vĩ hay cao nguyên rộng lớn.
Chỉ cần lướt qua các bảng xếp hạng du lịch của thế giới sẽ thấy ngay Việt Nam luôn đứng ở vị trí cao và thậm chí những cái tên như Hạ Long, Nha Trang, Đà Nẵng hay Phú Quốc luôn là niềm tự hào vì sự đánh giá cao của các tổ chức uy tín trên thế giới. Trong nhiều năm gần đây, ngành du lịch Việt luôn tăng trưởng với tốc độ cao.
Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch, năm 2018, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt gần 15,5 triệu lượt, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 6 tháng đầu năm 2019, khách quốc tế đến nước ta đạt gần 8,5 triệu lượt người, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó tăng cao nhất là khách đến bằng đường bộ với 24,9%, đạt 1.683,5 nghìn lượt người, tiếp đến là đường hàng không tăng 4,5%, đạt 6.658,3 nghìn lượt người.
Tuy nhiên, lượng khách đang có xu hướng giảm dần, tháng sáu có lượng khách quốc tế thấp nhất kể từ đầu năm. So với cùng kỳ năm trước, khách quốc tế đến nước ta trong tháng sáu chỉ tăng 0,2%, chủ yếu do khách đến từ châu Á chiếm phần lớn lượng khách đến nước ta giảm 0,4%.
Giảm tránh cú sốc cho du lịch
Tuy vậy, trong số 15,5 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam năm 2018, và gần 8,5 triệu lượt khách trong 6 tháng đầu năm 2019, có tới quá nửa đến từ hai thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc. Ngoài số liệu thống kê, việc phụ thuộc lớn vào khách Trung Quốc và Hàn Quốc còn có thể nhìn thấy dễ dàng tại một số địa điểm du lịch nổi tiếng.
Hạ Long trước đây chủ yếu sử dụng tiếng Anh giao tiếp và ghi biển, nay đã có thêm tiếng Trung, tiếng Hàn và có xu hướng ngày càng áp đảo. Đà Nẵng, Nha Trang cách đây vài năm nhiều khách Âu, Mỹ thì giờ phần lớn là khách Trung Quốc và Hàn Quốc, các bảng chỉ dẫn, hướng dẫn, phiên dịch cũng diễn ra tình trạng như trên.
Anh Phạm Hoài - một phụ tàu tại Hạ Long cho biết khoảng 2 - 3 năm gần đây, tàu của anh không còn đón nhiều khách Âu, Mỹ nữa mà thay vào đó là số lượng áp đảo du khách Trung Quốc. Vào mùa cao điểm du lịch, tàu ngày nào cũng chạy và chắc có lẽ đến 5 ngày là đoàn khách Trung Quốc.
Thực trạng này đã đặt ra bài toán giảm sự phụ thuộc du lịch vào thị trường trọng điểm, tránh cú sốc do những diễn biến thiếu tích cực từ những “con át chủ bài”. Khách Trung và Hàn đến Việt Nam nhiều do sự thuận tiện về chuyến bay và chính sách visa thông thoáng trong khi với khách Âu, Mỹ thì có sự chặt chẽ hơn.
Những vị khách đến đây từng chia sẻ rằng họ mong muốn được ở Việt Nam khoảng 5 - 6 ngày nhưng do thị thực của Việt Nam chỉ cho 30 ngày nên thời gian còn lại họ buộc phải chuyển sang các nước xung quanh như Lào, Campuchia hay Thái Lan. “Việc tập trung hơn vào các thị trường như châu Âu, Mỹ hay Úc rất quan trọng.
Ngày càng nhiều du khách Úc yêu thích Việt Nam bởi không ít người đã tới Thái Lan, tới Bali và dần tìm kiếm địa điểm mới. Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với Phillippines và nhiều quốc gia khác để trở thành một địa điểm mới cho châu Á” - Giám đốc Tiếp thị Hội đồng Du lịch Nam Úc Brent Hill nhấn mạnh. Thông thoáng về thị thực là điều rất quan trọng để thu hút khách quốc tế đến từ các nước Tây Âu. Bởi vì, mở rộng đối tượng khách vừa tăng doanh thu, giảm sự lệ thuộc mà còn bởi vì theo đánh giá của các chuyên gia nghiên cứu, mức chi tiêu của du khách Tây Âu cao hơn du khách Trung Quốc và Hàn Quốc.