Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thu hút FDI hứa hẹn những điểm sáng

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2019, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục là một điểm sáng. Lần đầu tiên, vốn giải ngân của các dự án FDI đạt 20,4 tỷ USD, lập kỷ lục cao nhất từ trước đến nay.

Tổng vốn đăng ký đạt hơn 38 tỷ USD, cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Dự báo 2020, Việt Nam sẽ tiếp tục nhận được nguồn FDI lớn.
Vốn thực hiện sẽ tăng từ 7 - 8%
Trong khi FDI toàn cầu có xu hướng giảm, năm 2019, Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư chiến lược của nhiều tập đoàn đa quốc gia. Một trong những nguyên nhân chính được nhìn nhận đó là, Việt Nam đang dẫn đầu thế giới vì có nhiều FTA (hiệp định thương mại tự do) nhất. Trong tổng số 16 FTA thì có 12 FTA đã có hiệu lực.
Sản xuất cánh tà máy bay tại Công ty TNHH MHI Aerospace Việt Nam, Khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh. Ảnh: Phạm Hùng
Theo Bộ Công Thương, các FTA đã giúp cho Việt Nam gặt hái được những kết quả đáng kể là kim ngạch xuất khẩu, thu hút đầu tư tăng cao. Trong khi đó, cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch Ratings đánh giá triển vọng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2020 sẽ tiếp tục khả quan với nền kinh tế vĩ mô ổn định, niềm tin vào môi trường đầu tư và kinh doanh tiếp tục được củng cố.
Nguồn FDI tăng cũng được thể hiện khi hoạt động mua bán sát nhập (M&A) trở nên sôi động, nếu như năm 2017 chiếm 17,02%, năm 2018 chiếm 27,78%, năm 2019 chiếm 56,4%. Theo số liệu của Công ty Chứng khoán SSI, tiến trình cổ phần hóa DN Nhà nước đang tạo ra cầu lớn cho M&A; Chính sách mở cửa đối với thị trường chứng khoán với chủ trương nới rộng room cho nhà đầu tư nước ngoài… sẽ kéo theo sự tham gia của dòng vốn nước ngoài qua hình thức này sẽ tăng lên trong thời gian tới.
Các chuyên gia dự báo, tốc độ FDI năm 2020 thực hiện đạt 23 - 24 tỷ USD, chiếm 22 - 23% tổng vốn đầu tư xã hội. Trong đó, vốn đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và châu Á vẫn gia tăng, đồng thời đầu tư từ Mỹ, Đức, Pháp, Anh và một số nước châu Âu khác vào công nghệ hiện đại, công nghệ tương lai, giáo dục và đào tạo, nghiên cứu và phát triển với nhiều dự án lớn sẽ được gia tăng.
Phát triển lâu dài và có chọn lọc
Chủ tịch Hiệp hội Nhà đầu tư nước ngoài, GS- TSKH Nguyễn Mại khẳng định, FDI vẫn sẽ là một động lực tăng trưởng quan trọng của kinh tế Việt Nam, ít nhất là đến năm 2025. Tuy nhiên, ông Nguyễn Mại lại lo lắng về quy mô vốn của các dự án FDI hiện tại.
Trung bình một dự án FDI vào Việt Nam trong năm qua có quy mô vốn khoảng bốn triệu USD. Ðó là tính trung bình, còn có những dự án một triệu USD. “Năm 2017, quy mô trung bình một dự án FDI là 8 triệu USD; năm 2018 là gần 6 triệu USD. Năm 2020 câu chuyện vốn mỏng của dự án FDI cần phải có giải pháp”- ông Mại nhấn mạnh.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết, dù thời gian qua, FDI đã trở thành một nhân tố quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế và Việt Nam nhưng hiệu quả của vốn đầu tư FDI vào nền kinh tế nước ta chưa tương xứng với số lượng của mức đầu tư.
Chất lượng và hiệu quả của FDI năm 2019 chưa đáp ứng được đòi hỏi của đất nước trong quá trình chuyển hướng sang đổi mới, sáng tạo, khoa học, công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng nền kinh tế số, tham gia cuộc CMCN 4.0.
Tại Diễn đàn DN Việt Nam (VBF) cuối kỳ với chủ đề “Vai trò và trách nhiệm đóng góp của cộng đồng DN FDI trong phát triển nhanh và bền vững” - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng một lần nữa nhấn mạnh vai trò trách nhiệm đóng góp của DN FDI trong tiến trình phát triển của Việt Nam, nhất là trách nhiệm tạo mối liên kết, hợp tác với DN trong nước, tương trợ lẫn nhau cùng phát triển. Đồng thời cho biết, trong giai đoạn mới, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài nhưng có chọn lọc.
Thời gian tới, Chính phủ sẽ ban hành chương trình hành động, thể chế hóa các định hướng chính sách quan trọng mà Bộ Chính trị đã đặt ra để đón được dòng vốn đầu tư có chất lượng hơn, tác động tích cực hơn tới nền kinh tế. Đồng thời giao Bộ KH&ĐT cùng các bộ, cơ quan Việt Nam sẽ tiếp thu để tham khảo hoàn chỉnh các quy định pháp luật, cơ chế, chính sách; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, thuận lợi hóa thương mại, đầu tư,…

"Nền kinh tế Việt Nam cần các dự án FDI thật sự có chất lượng. Bên cạnh cải thiện tiếp tục, quyết liệt môi trường kinh doanh, Thủ tướng Chính phủ cần có đặc phái viên gặp các đại sứ, nhà đầu tư lớn giải thích cho họ về Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược thu hút FDI mới của Việt Nam. Chúng ta cần tìm các nhà đầu tư tiềm năng đến Việt Nam. " - TS Nguyễn Đình Cung