Kết quả này gây bất ngờ, bởi thu hút FDI 8 tháng đầu năm đạt 19,12 tỷ USD, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm trước.
Ảnh minh hoạ |
Cụ thể, 9 tháng đầu năm Việt Nam thu hút được 1.212 dự án FDI mới, với tổng vốn đăng ký là 12,5 tỷ USD, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm ngoái; vốn điều chỉnh có 678 lượt dự án với tổng vốn tăng thêm đạt 6,4%, tăng 25,6%. Vốn góp, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong 9 tháng đầu năm có 2.830 lượt, tổng vốn đạt gần 3,2 tỷ USD, giảm 43,8% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn FDI giải ngân trong 9 tháng đầu năm ước đạt 13,28 tỷ USD, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Theo lý giải của Cục Đầu tư nước ngoài, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp những tháng gần đây dẫn tới một số nhà máy bị ngưng hoặc giảm công suất, đã khiến FDI giải ngân giảm.
Có 94 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam trong 9 tháng đầu năm, trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 6,3 tỷ USD, chiếm 28,4% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam trong 9 tháng; Hàn Quốc vượt qua Nhật Bản để vươn lên vị trí thứ 2, với tổng vốn đầu tư trên 3,9 tỷ USD, chiếm 17,7%; Nhật bản đứng thứ 3, với tổng vốn đầu tư 3,3 tỷ USD, chiếm 14,7%.
Một số dự án lớn trong 9 tháng đầu năm 2021 có thể kể đến bao gồm: Dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II (Singapore), tổng vốn đăng ký trên 3,1 tỷ USD với mục tiêu truyền tải và phân phối điện, sản xuất điện tại Long An (cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngày 19/3/2021).
Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản), tổng vốn đăng ký trên 1,31 tỷ USD với mục tiêu xây dựng một nhà máy nhiệt điện nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp điện cho lưới điện khu vực và hệ thống điện quốc gia tại Cần Thơ (cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngày 22/01/2021).
Dự án nhà máy sản xuất giấy Kraft Vina công suất 800.000 tấn/năm (Nhật Bản), tổng vốn đầu tư 611,4 triệu USD với mục tiêu sản xuất giấy kraft, giấy lót và giấy bao bì tại Vĩnh Phúc (cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngày 23/7/2021).
Dự án Nhà máy Công ty TNHH Polytex Far Eastern Việt Nam (Đài Loan), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 610 triệu USD (giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh cấp ngày 13/5/2021).
Đáng chú ý, vào ngày cuối cùng của tháng 8/2021, Hải Phòng đã trao chứng nhận đăng ký đầu tư tăng vốn thêm 1,4 tỷ USD cho LG Display, nâng tổng vốn đầu tư của dự án này lên 4,65 tỷ USD. Đây là dự án tỷ USD thứ ba đăng ký đầu tư vào Việt Nam kể từ đầu năm tới nay, bên cạnh 2 dự án khác là Dự án điện khí ở Long An, 3,1 tỷ USD và Dự án Nhiệt điện Ô Môn II ở Cần Thơ, vốn đăng ký 1,31 tỷ USD.
Có thêm dự án tỷ USD, không những tình hình thu hút đầu tư của Việt Nam có nhiều thay đổi, đã tăng trở lại sau nhiều tháng suy giảm, mà đã làm thay đổi “bảng xếp hạng” các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư lớn vào Việt Nam cũng có sự xoay chuyển. Trước khi có dự án tỷ USD của LG Display, Nhật Bản đứng thứ hai, còn Hàn Quốc đứng thứ ba trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư lớn vào Việt Nam. Tuy nhiên, sau dự án này, Hàn Quốc đã “soán ngôi” Nhật Bản để vươn lên vị trí thứ hai.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 58 tỉnh, TP của Việt Nam trong 9 tháng, trong đó Long An dẫn đầu với tổng vốn đăng ký 3,6 tỷ USD, chiếm 16,4% tổng vốn đầu tư đăng ký vào nước ta từ đầu năm đến nay. Với dự án điều chỉnh vốn lớn 1,4 tỷ USD, Hải Phòng vượt lên đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký 2,7 tỷ USD, chiếm 12,2% tổng vốn đầu tư. TP. HCM đứng thứ 3 với gần 2,4 tỷ USD, chiếm 10,6% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo lần lượt là Bình Dương, Cần Thơ, Quảng Ninh…
Dù vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang tăng, nhưng nỗi lo nhà đầu tư rời đi vẫn hiện hữu. Một số khó khăn vướng mắc chủ yếu là chuỗi cung ứng của nhiều DN bị gián đoạn; việc nhập cảnh và giấy phép lao động cho chuyên gia và lao động nước ngoài; nhiều DN phải thu hẹp quy mô, giảm bớt lao động. Cùng với đó là những khó khăn liên quan tới thông quan hàng hóa, tiêm vaccine cho người lao động, chi phí vận chuyển, lưu kho hàng hóa và các chi phí khác tăng cao; giảm sản lượng, giảm đơn hàng xuất khẩu, giảm doanh thu, các khó khăn về dòng tiền/vốn, thiếu hụt nguyên vật liệu sản xuất… Tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư trong lúc này là điều cần thiết và quan trọng.