Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thu hút vốn FDI vào Bất động sản: Hướng đến hiệu quả, chất lượng

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), Việt Nam đã thu hút được tới 51,1 tỷ USD vào bất động sản (BĐS), nhiều thứ 2, chỉ sau lĩnh vực chế biến, chế tạo.

FDI BĐS không ngừng tăng đã trở thành một tín hiệu vui cho sự hồi phục của thị trường.
Nhiều dự án triệu USD
Tính đến hết tháng 9/2017, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) đạt 25,48 tỷ USD. Tính lũy kế từ trước đến nay, tổng nguồn vốn cam kết vào Việt Nam vượt mốc 310,19 tỷ USD, trong số này, FDI vào lĩnh vực kinh doanh BĐS đạt 51,1 tỷ USD, chiếm 16,5% là lĩnh vực thu hút FDI lớn thứ 2.
Ngoài phân khúc được quan tâm hơn cả là cao cấp, nghỉ dưỡng, bán lẻ, các NĐTNN còn chú ý đến phát triển BĐS khu công nghiệp, nhà ở, văn phòng… Những dự án với số vốn “khủng” đổ vào trong thời gian gần đây như Tập đoàn China Fortune Land Development thực hiện giao dịch mua lại cổ phần trong dự án Lotus Đại Phước của VinaCapital với giá 65,3 triệu USD, thuộc tỉnh Đồng Nai. Quý II/2017, tập đoàn bán lẻ Nhật Bản Aeon Mall chính thức liên doanh cùng tập đoàn BIM triển khai phát triển trung tâm thương mại thứ hai của Aeon tại Hà Nội với diện tích 16,7ha, với tổng vốn đầu tư ước tính khoảng 200 triệu USD; Tập đoàn Đầu tư và phát triển Sơn Kim cũng vừa kêu gọi vốn 100 triệu USD phát triển dự án thành công từ NĐT Nhật Bản.

Khách hàng tham khảo thông tin dự án Diamond Lotus Riverside. Ảnh: Công Hùng

Đáng chú ý, tại thị trường Hà Nội, một số dự án vốn FDI đã rục rịch khởi động lại sau một thời gian dài “ngủ đông”. Điển hình là Daewoo Cleve (Hà Đông, Hà Nội) do Công ty TNHH Hi Brand (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư (khởi công từ năm 2009 nhưng dự án đã bị đình trệ và phải nhiều lần điều chỉnh thiết kế), đã thỏa thuận hợp tác với CEN Invest để phát triển một phần Dự án với tên gọi The K-Park Văn Phú – Hà Đông. Một dự án cũ cũng được tái khởi động lại là chung cư Booyuong Vina của Công ty TNHH Một thành viên Booyuong Việt Nam (vốn Hàn Quốc 100%) với màn trở lại khá ấn tượng khi tòa CT4, CT7 được thi công và chào bán đợt 1 trong tháng 6 vừa qua...
Để tránh vốn ảo
GS Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (VAFIE) đánh giá, có hai lý do khiến thị trường BĐS Việt Nam vẫn hấp dẫn các NĐTNN. Thứ nhất, dự báo tầng lớp trung lưu của Việt Nam tăng nhanh, từ 12 triệu người vào năm 2012 lên đến 33 triệu trong năm 2020. Thứ hai, hàng loạt chính sách liên quan như cho người nước ngoài sở hữu nhà đã tạo tâm lý tin tưởng cho NĐT.
“Các NĐT ngoại luôn cho rằng thị trường nhà ở tại Việt Nam với hơn 90 triệu dân vẫn là miếng bánh hấp dẫn để họ theo đuổi. Đặc biệt, khi một số chính sách về nhà ở của chúng ta đã được tháo gỡ, như cho phép người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam mở cửa đầu tư casino, khuyến khích đầu tư vào nhà thu nhập thấp... Ngoài nhu cầu lớn, Việt Nam vẫn đang có xu hướng đô thị hóa mãnh liệt, Chính phủ quyết tâm xây dựng nền công nghiệp không khói làm ngành mũi nhọn cho phát triển… cũng góp phần quan trọng tác động vào quyết tâm theo đuổi của NĐT” - TS Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam nhận xét.
Nhiều chuyên gia dự báo, năm 2017 sẽ có hàng tỷ USD vốn ngoại đổ vào thị trường BĐS. Tuy nhiên, các địa phương cần tỉnh táo hơn trong thu hút đầu tư FDI, nghiên kỹ về uy tín, khả năng tài chính của NĐT trước khi ký. Điều đáng quan tâm là lượng vốn thực NĐT đưa vào Việt Nam để triển khai dự án bởi nhiều chủ đầu tư chủ yếu thực hiện chiến lược "mỡ nó rán nó”, huy động vốn từ chính khách hàng. Chính vì thế mới dẫn tới việc có những dự án vốn đăng ký lớn nhưng chủ yếu nhằm… giữ chỗ, vẫn nằm im sau khi được cấp phép thời gian dài do thiếu vốn xảy ra ở nhiều địa phương thời gian qua, gây lãng phí tài nguyên đất, làm mất cơ hội của những NĐT chân chính.
“Chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát thị trường, loại bỏ những NĐT yếu kém thông qua việc mở một tài khoản trung gian, yêu cầu NĐT ký quỹ, đặt cọc một số vốn. Khi chủ đầu tư tiến hành dự án sẽ giao lại số vốn đó. Việt Nam hoàn toàn có nhiều cách hướng tới lành mạnh hóa thị trường, không ngăn cản đầu tư nước ngoài cũng không dễ dãi để gây ra hệ lụy cho nước nhận đầu tư” - GS Nguyễn Mại phân tích.
Việc thu hút FDI vào BĐS cũng giống như nhiều lĩnh vực khác, tạo sự sôi động của thị trường, tạo ra nhiều công ăn việc làm. Vấn đề còn lại là Việt Nam sẽ quản lý, giám sát để đảm bảo tính bền vững trong đầu tư phát triển.
Phó Cục trưởng Cục Đầu tư ngoài nước (Bộ KH&ĐT) Đặng Xuân Quang