Bắt đầu từ ngày 15/6 thực hiện việc thu mua tạm trữ 1 triệu tấn lúa gạo vụ Hè Thu ở Đồng bằng sông Cửu Long. Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã giao chỉ tiêu cho 115 doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia mua tạm trữ lúa gạo.
Trong đó, một số tỉnh có chỉ tiêu cao như Long An 91.000 tấn, Kiên Giang 85.000 tấn và các tỉnh có chỉ tiêu thấp như Bạc Liêu 10.000 tấn, Hậu Giang 15.000 tấn. Trong đợt tạm trữ này, VFA và các địa phương sẽ phối hợp giúp các doanh nghiệp triển khai thu mua, đồng thời kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện. Đợt tạm trữ sẽ kéo dài đến 31/7/2013.
Theo công bố của Bộ Tài chính, giá thành bình quân sản xuất vụ Hè Thu ở Đồng bằng sông sông Cửu Long là 4.142 đồng/kg, trong đó giá lúa định hướng là 5.383 đồng/kg.
Thu mua lúa giúp nông dân đảm bảo lợi nhuận sản xuất.
Tính đến 13/6, hầu hết các hộ ở Đồng bằng sông Cửu Long đã bước vào vụ thu hoạch rộ lúa hè thu. Theo một số thương lái, hiện giống lúa IR 50404 mức 3.800 đ/kg, lúa hạt dài khoảng 4.300 đ/kg. Theo lãnh đạo huyện Vĩnh Hưng ( Long An), bà con nông dân đang mong chờ các doanh nghiệp thu mua lúa.
Khoảng 2 ngày trước, giá lúa IR 50404 tươi thu hoạch bằng máy gặt liên hợp có giá chỉ 3.700-3.800 đồng/kg và 3.900-4.000 đồng/kg đối với các giống lúa hạt dài, chế biến gạo 5% tấm.
Tại nhiều địa phương khác của vùng ĐBSCL như Tiền Giang, Long An, An Giang, Cần Thơ… giá lúa IR 50404 tươi được thương nhân thu mua phổ biến từ 3.700-3.850 đồng/kg.
Đối với gạo nguyên liệu, hiện được các doanh nghiệp ở An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ thu mua khoảng 5.900-6.000 đồng/kg với giống IR 50404 và 6.050-6.100 đồng/kg với các giống lúa hạt dài.
Điểm đáng chú ý vụ Hè Thu năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định mua dự trữ sớm hơn 1 tháng. Bộ Tài chính nhanh chóng tính giá thành sản xuất và đưa ra giá định hướng để VFA và các doanh nghiệp chủ động triển khai các phương án thu mua lúa gạo sớm, tháo gỡ khó khăn cho bà con, tránh các hiện tượng ép giá từ các thương lái.
Nhằm thực hiện tốt đợt mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo, VFA đã hạn chế giao chỉ tiêu cho doanh nghiệp không nằm trên vùng sản xuất, ưu tiên cho doanh nghiệp có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với nông dân.
Theo VFA, với giá lúa thấp, đầu ra xuất khẩu khó khăn như hiện nay, việc các doanh nghiệp triển khai thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo ở ĐBSCL từ ngày 15/6, may chăng chỉ cứu nông dân ở mức có lãi, chứ khó đạt lãi 30% trở lên.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cũng thẳng thắn nhận định đây là vấn đề phức tạp cần phải giải quyết trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay. Việc thu mua tạm trữ đã được giao cho các doanh nghiệp nhưng khi doanh nghiệp quá khó khăn thì Chính phủ sẽ xem xét những biện pháp để hỗ trợ.
Cụ thể, việc Chính phủ chỉ đạo tăng cường cung cấp tín dụng ưu đãi đặc biệt không chỉ với doanh nghiệp mà với cả người nông dân, để nông dân không phải bán vội, cũng là một hình thức tạm trữ trong dân.
Nhưng giải pháp căn cơ, về lâu dài theo Bộ trường Cao Đức Phát vẫn là việc tìm kiếm và ký kết hợp đồng, đảm bảo đầu ra cho nông sản nói chung và lúa gạo nói riêng.
Hiện, Bộ NNPTNT đang cùng các địa phương tiến hành rà soát điều chỉnh sản xuất lúa gạo theo hướng sẽ tạm dừng trồng lúa ở những diện tích đất xấu, sản lượng và chất lượng thấp để chuyển sang trồng một số loại cây lương thực hiện ngành nông nghiệp vẫn đang rất cần mà phải nhập khẩu nhiều như ngô, đỗ tương... Những diện tích đất trồng lúa giữ lại cũng nghiên cứu để trồng các giống lúa có chất lượng và sản lượng cao hơn hiện nay.
Trước đó, ngày 7/6, tại cuộc họp về các giải pháp tiêu thụ sản phẩm lúa, gạo và thuỷ sản, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu VFA phải nghiêm túc trong việc điều hành các hội viên tham gia, nếu các doanh nghiệp vượt rào gây thiệt hại cho cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu và người sản xuất lúa, cần khai trừ ra khỏi VFA nhằm đảm bảo đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Theo ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, các doanh nghiệp cần cố gắng vượt qua tháng 6 khó khăn đầu năm, sang tháng 7 thị trường lúa gạo sẽ bắt đầu lộ diện.
Trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt 2,79 triệu tấn, giá trị FOB đạt 1,21 tỷ USD, giá FOB xuất khẩu bình quân 434,4 USD/tấn. So với cùng kỳ năm 2012, xuất khẩu gạo tăng 10,14% về lượng và tăng 4,65% về giá trị.
Mặc dù thị trường khó khăn, một số đơn hàng đã ký bị huỷ nhưng Việt Nam vẫn ký được hợp đồng nhiều hơn so với cùng kỳ năm trước 13%. Trong tháng 6, dự kiến sẽ xuất khẩu khoảng 750.000 tấn, như vậy sẽ nâng sản lượng xuất khẩu 6 tháng đạt 3,5 triệu tấn, so với cùng kỳ vẫn cao hơn 100.000 tấn.