KTĐT - Bộ Xây dựng đưa ra tiêu chí, người được mua nhà xã hội phải có thu nhập dưới 1,5 triệu đồng, tuy nhiên, một số chủ đầu tư cho rằng, mức thu nhập này chỉ đáp ứng sinh hoạt, không thể đủ tiền trả góp để mua nhà.
Theo tờ trình Chính phủ của Bộ Xây dựng về cơ chế chính sách cho nhà ở xã hội, đối tượng được mua là cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động trong các thành phần kinh tế chưa có nhà ở hoặc có nhà ở nhưng diện tích bình quân dưới 5m2 một người và có thu nhập bình quân tháng dưới 1,5 triệu đồng.
Cơ chế ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà giá rẻ được đưa ra như miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất trong phạm vi dự án nhà ở giá thấp; được áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) bằng 0% đối với các hợp đồng thuê nhà và bán nhà; được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 9 năm tiếp theo...
Theo ông Đặng Hoàng Huy, Giám đốc Công ty CP Bê tông và xây dựng (Vinaconex Xuân Mai), đơn vị đầu tư nhà giá rẻ tại Chương Mỹ (Hà Nội) và Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), người mua căn hộ khoảng 200 triệu đồng tại các dự án này đều có sự hỗ trợ từ dự án vay vốn của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và họ thế chấp bằng chính căn hộ. Những người mua căn hộ này phải trả cho chủ đầu tư 2,2 triệu đồng mỗi tháng cho căn hộ 51m2 trong vòng 15 năm.
Ông Huy cho rằng, những ưu đãi mà Bộ Xây dựng đưa ra đã có bước nhảy vọt so với trước, nhưng mỗi hộ dân (thường có 2 người lao động) phải có mức thu nhập bình quân là 4 triệu đồng mỗi tháng thì mới đủ tiền trả góp căn hộ và đảm bảo đời sống. Nếu một người có thu nhập chỉ dưới 1,5 triệu đồng thì chỉ nên cho phép thuê nhà.
Ngoài ra, mối quan ngại nhất của chủ đầu tư là giải phóng mặt bằng, họ phải tự thỏa thuận với dân về mức bồi thường nên rất khó làm nhà giá rẻ, khiến đẩy chi phí tăng cao. Các dự án tại Chương Mỹ và Vĩnh Yên đều triển khai trên nền đất sẵn có của doanh nghiệp nên dễ dàng thực hiện.
Gần 10 năm đầu tư Làng sinh viên (Hà Nội) theo mô hình xã hội hóa, ông Nguyễn Chí Sỹ, Giám đốc Công ty CP Đầu tư và xây dựng số 2, cũng cho rằng, sống tại đô thị nếu 2 vợ chồng thu nhập 3 triệu trong một tháng, mỗi tháng bỏ ra 1 triệu trả tiền nhà, thì 20 - 30 năm thì mới trả góp hết căn hộ giá khoảng 200-300 triệu đồng. Đây là một thời gian quá dài để chủ đầu tư thu hồi vốn.
"Các ưu đãi cho nhà đầu tư không nhiều lại phải làm thủ tục khá phức tạp, chủ đầu tư vẫn phải tự giải phóng mặt bằng, vay vốn thương mại để đầu tư. Ngoài ra, nếu người mua nhà trả góp cố tình trây ỳ trả tiền nhà thì chủ đầu tư chưa có quyền xiết nợ. Đây là những lý do nhiều doanh nghiệp xây dựng không mặn mà với nhà ở xã hội", ông Sỹ nói.
Không chỉ kêu gọi doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà xã hội, Bộ Xây dựng cũng kiến nghị Chính phủ dành khoảng 2.500 tỷ đồng đầu tư loại nhà giá thấp. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Chí Sỹ, nếu nhà nước đầu tư sẽ gây tình trạng "xin cho" dự án giữa thành phố và doanh nghiệp và dễ tiêu cực qua việc chỉ định thầu.
Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN, thì cho rằng, nếu nhìn vào thu nhập bình quân dưới 1,5 triệu đồng của công chức, viên chức ở đô thị là quá thấp, vốn dĩ không thể mua được nhà, nên nhà nước cần hỗ trợ về nhà ở. Tuy nhiên, trên thực tế ở nước ta, thu nhập không chính thức của nhiều người còn cao hơn thu nhập chính. Do vậy, nếu xét theo tiêu chí thu nhập là không chính xác.
Ông Liêm cho rằng, chỉ nên xét thực trạng về nhà ở khó khăn, như bình quân đầu người dưới 5m2 (trung bình phải là 10m2), thì được nằm trong diện xét mua nhà ở xã hội.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, cho rằng, nhà nước vừa tạo điều kiện đầu vào (cho doanh nghiệp vay xây nhà) vừa tạo điều kiện đầu ra (xét người được mua). Với người mua nếu không đủ tiền thì họ nên thuê. Bộ Xây dựng đã tính toán để trong vòng 20 năm, họ có thể thuê nhà mà chỉ mất 20-25% thu nhập cho việc thuê.
Theo nhiều chuyên gia, chính sách ưu đãi nhà ở của Chính phủ nên cấp trực tiếp cho người mua, thay vì nhà nước bỏ tiền xây dựng hay tạo ưu đãi chủ đầu tư. Ông Phạm Sỹ Liêm nhận xét, nếu nhà nước bỏ tiền ra xây dựng, rồi xét chọn người mua có thể có nhiều tiêu cực, nhà ở xã hội không chắc đến được đúng đối tượng.
Thay vào đó, nhà nước nên hỗ trợ ngay cho người cần mua nhà hay thuê nhà. Ví dụ, nhà nước có thể phát một phiếu thuê nhà giá trị 500.000 đồng cho người cần thuê trong 5 năm, để họ có thể tự đi thuê một căn hộ giá khoảng 1 triệu đồng, chủ nhà cho thuê cầm được phiếu ra ngân hàng lĩnh tiền. Phiếu này chỉ có giá trị khi thuê nhà.
Cũng đồng quan điểm đó, ông Nguyễn Chí Sỹ cho rằng, ví dụ, nhà nước hỗ trợ người khó khăn về nhà ở bằng cách cho vay 200 triệu đồng không tính lãi trong 5 năm, người này có thể vay thêm từ người nhà hoặc bán tài sản hiện có để mua căn hộ nhỏ trị giá khoảng 500 triệu đồng, phù hợp với nhu cầu ở của gia đình. Các chủ đầu tư sẽ nhìn theo thị trường để xây dựng các căn hộ giá rẻ, nguồn cung cho thị trường bất động sản sẽ dồi dào.
"Hỗ trợ trực tiếp cho người mua sẽ giảm thiểu phiền lụy về cơ chế, thị trường bất động sản sẽ được phát triển lành mạnh, người nghèo sẽ có nhà ở", ông Sỹ tin tưởng.