Thông tin này được Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Doãn Mậu Diệp cho biết tại Hội thảo Công bố bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam quý II/2015, sáng nay 30/10. Theo đó, thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương là 4,46 triệu đồng/người/tháng.
Theo Thứ trưởng Diệp, trong quý II thị trường lao động Việt Nam có khá nhiều điểm sáng, tỷ lệ thất nghiệp giảm nhẹ. Cả nước có 52,53 triệu người có việc làm, tăng 103 ngàn người so với quý I. Lao động tăng ở một số nhóm ngành, trong đó tăng nhiều nhất là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; thông tin và truyền thông; xây dựng; thương mại, sửa chữa; làm thuê cho hộ gia đình, kinh tế hộ gia đình; khai khoáng.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
|
Các ngành giảm lao động nhiều nhất là giáo dục - đào tạo; nông, lâm nghiệp và thủy sản; hoạt động Đảng, tổ chức chính trị xã hội; an ninh quốc phòng; vận tải, kho bãi.
Trong khi thu nhập bình quân tháng từ việc làm công ăn lương là 4,46 triệu đồng/người/tháng, thì thu nhập của lao động nam là 4,7 triệu đồng; lao động nữ thấp hơn, chỉ đạt 4,13 triệu đồng.
Mức thu nhập giữa lao động thành thị và nông thôn cũng có sự chênh lệch đáng kể, với 5,25 triệu đồng/tháng/lao động thành thị, còn lao động nông thôn chỉ đạt 3,84 triệu đồng/tháng.
Xét theo ngành nghề, quý II/2015, thu nhập bình quân của nhóm Lãnh đạo cao nhất với 7,3 triệu đồng/tháng, tiếp đến là nhóm chuyên môn kỹ thuật bậc cao 6,5 triệu đồng/tháng, thấp nhấtlà nhóm lao động giản đơn chỉ có 3 triệu đồng/tháng.
Tính theo hình thức sở hữu, trong khi lao động làm việc tại các doanh nghiệp nhà nước tiếp tục có thu nhập bình quân tháng cao nhất là 6,15 triệu đồng/ tháng, thì lao động làmviệc ở khu vực hợp tác xã có mức thấp nhất, chỉ 2,84 triệu đồng/tháng.
Thứ trưởng Mậu Diệp cho biết, thị trường lao động Việt Nam đang đứng trước thách thức rất lớn. Sau ngày 31/12/2015, thị trường lao động khối ASEAN được mở rộng, trước mắt với 8 nghề được di chuyển tự do như kế toán, bác sĩ, kỹ sư, nhân viên du lịch... sẽ khiến thị trường lao động Việt Nam bị chiếm lĩnh bởi lao động chất lượng cao ở nước ngoài vào.
Cùng với đó là trình độ hạn chế khiến lao động Việt Nam khó tiếp cận với thị trường nước ngoài. Bởi vậy việc cần làm là phải nâng cao chất lượng đào tạo.