Đó là trao đổi của Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Xuân Bình tại hội nghị hợp tác phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ tổ chức chiều 27/12.
Với tham luận “Giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của vùng qua Cảng Hải Phòng”, ông Nguyễn Xuân Bình cho biết, Hải Phòng là TP cảng lâu đời, là lá chắn cho TP Hà Nội và địa phương trọng điểm của kinh tế biển đảo ở khu vực phía Bắc. Cảng Hải Phòng có vị trí vai trò quan trọng, là cửa ngõ quốc tế của miền Bắc. Khu vực cảng biển Hải Phòng hiện có 44 cảng, liên tục được đầu tư nâng cấp đồng bộ, trong đó nhiều DN đã đầu tư công nghệ xếp dỡ hiện đại tương đương khu vực Đông Nam Á.
Trong giai đoạn 2011 - 2015, hoạt động thương mại xuất nhập khẩu hàng hóa qua cảng Hải Phòng khá, tăng trưởng bình quân trên 15%/năm. TP Hải Phòng cũng đã triển khai đẩy mạnh cải cách hành chính tại cảng để thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu. Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Xuân Bình cho biết thêm, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua cảng Hải Phòng vẫn còn những khó khăn do tăng trưởng kinh tế chưa được khôi phục, cùng với những thách thức của kinh tế vĩ mô đã làm ảnh hưởng đến kinh tế nước ta.
Về chủ quan, hiện nay cơ sở hạ tầng tại khu vực cảng, hệ thống giao thông kết nối sau cảng dù đã được quan tâm đầu tư song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là các tàu trọng tải lớn. Điều đáng nói, hiện nay hàng hóa về Cảng Hải Phòng chủ yếu được vận chuyển qua Quốc lộ 5 nên dẫn tới tình trạng quá tải, trong khi đó cao tốc Hà Nội - Hải Phòng còn bất cập về công tác thu phí nên chưa thúc đẩy hoạt động vận tải qua tuyến giao thông này.Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Xuân Bình cũng chỉ ra, nhiều địa phương trong vùng chưa có sản phẩm chủ lực, sản xuất nông nghiệp manh mún, các DN gặp thách thức khi tiếp xúc, cạnh tranh với DN nước ngoài và gặp hạn chế, thiếu chủ động về dự báo thị trường. Để đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua cảng Hải Phòng, ông Bình đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo dự báo xu thế kinh tế thị trường, cung cấp thông tin chính xác cho các địa phương. Đồng thời, ưu tiên đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng trong vùng, đường sắt tốc độ cao Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Đối với các địa phương trong vùng, cần đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, xây dựng chiến lược quy hoạch sản phẩm chủ lực của vùng nhằm phát triển các sản phẩm chủ lực có thế mạnh cạnh tranh. Song song với đó, hoàn thiện hệ thống hạ tầng trong từng tỉnh, liên tỉnh, trong vùng, cảng biển, sân bay để phát triển cả vùng… Cũng liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long khẳng định, muốn phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vấn đề hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối giữa các địa phương có vai trò đặc biệt quan trọng.