Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thu phí tự động không dừng: Vì sao người dân chưa mặn mà?

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ GTVT quyết tâm dán tem thu giá tự động cho 3,2 triệu ô tô trong năm 2018. Các chuyên gia đánh giá, đây là chủ trương đúng và mang lại lợi ích nhãn tiền nhưng để thực hiện được thuận lợi cần có thêm thời gian.

Nhiều người vẫn mơ hồ, hời hợt
Ngày 27/2, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị yêu cầu đẩy nhanh tiến độ triển khai thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng. Ngay sau khi có chỉ thị của Thủ tướng, Bộ GTVT đã phát đi thông điệp quyết tâm dán tem thu giá tự động (thẻ Etag) cho trên 3,2 triệu ô tô trong năm 2018 để đến năm 2019, tất cả các trạm BOT trên toàn quốc sẽ thực hiện việc thu phí tự động. Lộ trình mà Bộ GTVT đưa ra được kỳ vọng sẽ góp phần minh bạch hóa trong thanh toán tại các dự án BOT và tăng tiện ích cho người dân.
Tuy nhiên, đạt được mục tiêu đề ra không phải là câu chuyện một sớm một chiều, nhất là khi vẫn còn không ít người dân kém mặn mà. Tại nhiều trung tâm đăng kiểm nơi thực hiện việc dán thẻ Etag, tình trạng người dân thờ ơ với chủ trương dán tem thu phí không dừng khá phổ biến.
 Trạm thu phí không dừng Hà Nội - Bắc Giang. Ảnh: Tuấn Anh.
Lãnh đạo một Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới tại TP Hải Phòng cho biết, từ cuối năm 2016, khi Bộ GTVT và Cục Đăng kiểm có chỉ đạo về việc này, trung tâm đã cử nhân viên vừa thực hiện việc dán tem, vừa tuyên truyền, hướng dẫn cách sử dụng cho người dân đến đăng kiểm phương tiện nhưng kết quả thu được không như mong đợi. Mặc dù được dán tem miễn phí nhưng phần lớn khách hàng khi được đề nghị dán tem thu phí tự động tỏ ra không quan tâm, có người còn từ chối với lý do nhiều trạm BOT vẫn còn thu phí một dừng nên có dán tem cũng không sử dụng đến.
Thậm chí, tại Trạm BOT Hoàng Mai (tỉnh Nghệ An) dù đã triển khai thu phí tự động từ khá sớm, nhưng tỷ lệ doanh thu qua hình thức này chỉ chiếm chưa tới 7% so với tổng doanh thu mỗi ngày. Nhiều chủ xe khi được hỏi vẫn tỏ ra khá mơ hồ. Thậm chí, có người đã dán tem rồi nhưng đã lâu chưa sử dụng lần nào vì xe chỉ đi loanh quanh trong TP, có đi xa cũng không đi trên tuyến đang triển khai hệ thống thu phí tự động.
Cần biện pháp cứng rắn
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam khẳng định, việc sử dụng hệ thống thu phí tự động tại các trạm BOT là chủ trương rất cần thiết và tiện lợi. Thế nhưng, để đưa chủ trương này vào thực tiễn theo đúng quyết tâm của Bộ GTVT cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý Nhà nước. “Thực tế việc này chúng ta đã có lộ trình thực hiện được mấy năm nay rồi song vì nhiều lý do đến nay vẫn chưa thu được nhiều thành tựu. Một phần vì thói quen dùng tiền mặt của người dân vẫn còn phổ biến. Phần khác các DN ô tô cũng chưa thực sự hiểu rõ bản chất vấn đề, họ e ngại nếu nộp tiền vào tài khoản sẽ bị ứ đọng vốn, ảnh hưởng đến kinh doanh” - ông Thanh nói.
Theo ông Thanh, trong nhiều năm qua, công tác tuyên truyền về chủ trương thực hiện thu phí tự động tại các trạm BOT đã được Bộ GTVT thực hiện khá tốt, dù vậy tác động thực sự vẫn chưa đúng như kỳ vọng. Bằng chứng là nhiều người khi được hỏi vẫn không biết sẽ dán tem ở đâu, nạp tiền như thế nào. “Bản chất của việc trả phí qua thẻ Etag rất rõ ràng và đơn giản. Tem dán là miễn phí, nộp tiền đơn giản như nộp thẻ điện thoại, đi hết bao nhiêu thì trả bấy nhiêu tiền. Kể cả người nào một năm chỉ đi một vài lần cũng không ảnh hưởng gì vì trước khi đi, cứ tính toán xem quãng đường bao xa, tương ứng bao nhiêu tiền thì nộp đúng bằng ấy tiền là được” - ông Thanh phân tích.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, đã đến lúc các cơ quan quản lý Nhà nước cần có biện pháp cứng rắn, thậm chí là cưỡng bức để chủ trương thu phí tự động được thực hiện theo đúng lộ trình đề ra. “Giờ cứ giao cho các trung tâm đăng kiểm và các cơ sở sản xuất, nhập khẩu ô tô. Xe nào dán tem thu phí tự động mới được cho xuất xưởng. Xe nào đi đăng kiểm mà không đồng ý dán tem thì không cho đăng kiểm nữa. Lâu nay, mọi người cứ kêu ca các dự án BOT không minh bạch nhưng giờ thu phí tự động để minh bạch thì tại sao không ủng hộ?” - ông Thanh đề nghị.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long: Hiện nay, người dân dùng thẻ ngân hàng còn chưa phổ biến. Nhiều người còn e ngại mở thẻ ngân hàng sẽ tốn kém vì mất phí dùng thẻ hàng ngày trong khi có người ít khi sử dụng xe nên họ vẫn thích dùng tiền mặt hơn. Do đó, Bộ GTVT cần phối hợp với ngân hàng để mở tài khoản cho những người sử dụng ô tô và nên có chính sách ưu đãi không tính phí sử dụng thẻ cho họ.