Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thử thách đầu tiên

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau hơn 10 giờ tranh cãi, Quốc hội Indonesia hôm 26/9 đã bỏ phiếu thông qua luật bãi bỏ hình thức bầu cử trực tiếp các chức thị trưởng, tỉnh trưởng và người đứng đầu các huyện.

 Với 226 phiếu thuận và 135 phiếu chống, dự luật nhiều tranh cãi này đã được thông qua, theo đó, các hội đồng địa phương sẽ được trao quyền bổ nhiệm những người giữ các chức vụ trên. Điều đáng nói là hầu hết các chính trị gia tên tuổi của Indonesia đều lên tiếng kêu gọi các nghị sĩ không thông qua dự luật này. Đáp lại lời kêu gọi của Tổng thống sắp mãn nhiệm Susilo Bambang Yudhoyono, các nghị sĩ trong đảng Dân chủ (DP) của ông đã rời khỏi phiên họp Quốc hội để tẩy chay cuộc bỏ phiếu về dự luật này với lý do các yêu cầu của đảng không được đưa vào dự luật.
 Tổng thống đắc cử Joko Widodo phải đối mặt với thử thách khi chưa nhậm chức.     Ảnh: AP
Tổng thống đắc cử Joko Widodo phải đối mặt với thử thách khi chưa nhậm chức. Ảnh: AP
Trong khi đó, Tổng thống đắc cử Joko Widodo, người sẽ nhậm chức vào ngày 20/10 tới, cùng đảng Dân chủ Indonesia - Đấu tranh của ông cho rằng việc Quốc hội thông qua dự luật nêu trên là "bước thụt lùi về dân chủ". Diễn biến lần này là thử thách đầu tiên đối với Tổng thống đắc cử Widodo khi các đảng ủng hộ đối thủ Prabowo Subianto của ông trong cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua đã thành công trong việc thúc đẩy Quốc hội thông qua bãi bỏ hình thức bỏ phiếu mà Indonesia đã áp dụng từ năm 2005. Trước đó, hồi tháng 4 năm nay, khi Liên minh Đỏ và Trắng gồm liên minh 7 đảng của mình chiếm được 60% số ghế trong Quốc hội mới ông Subianto đã không ngần ngại tuyên bố sẽ ở thế đối đầu với ông Widodo trong thời gian tới. Theo các nhà quan sát, thế chia rẽ giữa Quốc hội và chính phủ mới sẽ gây khó khăn cho ông Widodo nhưng nếu có những quyết sách phù hợp, ông Widodo vẫn có thể lật ngược thế cờ. Vì Liên minh Đỏ và Trắng đang xuất hiện một số dấu hiệu rạn nứt khi Phó chủ tịch đảng Golkar - một trong 7 đảng liên minh bày tỏ thái độ chống đối người đứng đầu đảng này. Các đảng trong Liên minh Đỏ và Trắng cũng chưa thật sự tạo được mối liên kết chặt chẽ và khả năng đổi liên minh là có thể xảy ra.

Nếu liên minh đối lập trong Quốc hội mới luôn đồng lòng thì lẽ dĩ nhiên là ông Widodo sẽ phải rất chật vật để thực hiện một trong những kế hoạch cải cách liên quan đến nền kinh tế có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại (dự kiến chỉ đạt 5,3% năm 2014). Tiếp đó là vấn đề kiểm soát và hạn chế nạn tham nhũng tràn lan nhằm tạo sự công bằng cho tất cả người dân, từng bước thu hẹp khoảng cách giàu nghèo đang ngày càng nới rộng đe dọa mục tiêu xóa đói giảm nghèo.

Việc cắt giảm ngân sách dành cho trợ cấp nhiên liệu được dự báo cũng sẽ gặp nhiều khó khăn khi tìm tiếng nói chung giữa quốc hội và chính phủ mới. Ông Raden Pardede - cố vấn kinh tế của tổng thống sắp mãn nhiệm Susilo Bambang Yudhoyono - từng cảnh bảo rằng chính phủ của ông Widodo - sẽ phải chịu áp lực cắt giảm ngân sách trợ cấp nhiên liệu lớn (hơn 21 tỷ USD trong năm nay, chiếm 13% ngân sách) trong 100 ngày đầu tiên của nhiệm kỳ. 

Theo các nhà phân tích, việc kiểm soát tốt mối quan hệ với Quốc hội hiện nay chính là một trong những thách thức và mục tiêu hàng đầu của chính phủ mới Indonesia nếu không muốn bị rơi vào vòng xoáy của khủng hoảng chính trị. Họ cũng đưa ra lời cảnh báo, Quốc hội và Chính phủ Indonesia nên đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu thay vì chỉ vẽ ra các kế hoạch nhằm làm suy yếu đối phương vì mục đích chính trị. Indonesia đang rất cần những kế hoạch cải cách để thay đổi nền kinh tế và sự đồng thuận là điều kiện tiên quyết để thực hiện những kế hoạch này.