Theo sử sách, Nguyên phi Ỷ Lan giỏi việc trị nước (hai lần nhiếp chính), khiến nhân tâm hòa hợp, đất nước thanh bình, dân gian sùng Phật, tôn bà là Phật Bà Quan Âm. Các huyền thoại, truyền thuyết về Bà phủ trùm lên một vùng văn hóa lịch sử của xứ kinh Bắc xưa. Bà được dân gian gọi là bà Tấm - hiện thân của lòng bao dung, đức độ và những điều tốt lành. Năm 1117, khi Ỷ Lan qua đời, Nhân dân xây đền thờ Bà.
Từ đó đến nay, đền - chùa Bà Tấm là nơi hành lễ thờ Phật và cũng là nơi tưởng niệm của Nhân dân trong vùng. Trong quá trình tồn tại, đền - chùa Bà Tấm luôn được sửa chữa, trùng tu và xây mới, mặt bằng di tích có nhiều thay đổi, hiện nay còn có chùa, đền và nhà thờ mẫu cùng một số đơn nguyên kiến trúc kề cận. Mặc dù các công trình kiến trúc đều được xây dựng gần đây (đền xây khoảng nửa đầu thế kỷ XX, chùa xây khoảng những năm 1980), song, đây vẫn là một không gian linh thiêng, thể hiện trong lễ hội tổ chức trang trọng hàng năm vào các ngày 19/2 và 25/7 Âm lịch. Theo lời kể của Nhân dân trong vùng, hội đền Bà Tấm có quy mô rất to lớn, không chỉ có Dương Xá, Dương Nguyễn tổ chức mà kéo dài suốt từ Phú Thị cho tới Văn Lâm (Hưng Yên).
Đặt chân vào đền, chùa Bà Tấm, ai nấy đều cảm thấy yên bình, thanh tịnh bởi kiến trúc cổ đẹp cầu kỳ, những hàng cây lâu năm lá xanh tốt. Chùa có tên “Linh nhân Tự Phúc Tự” do chính Linh Nhân hoàng thái hậu (Ỷ Lan) xây dựng khánh thành vào tháng 3 năm Ất Mùi 1115. Đền có kiến trúc theo lối cung đình, thời Lý, có 72 cửa thuộc loại cổ nhất nước ta. Trong đền và chùa hiện còn nhiều hiện vật quý và hiếm. Nổi tiếng là đôi sư tử điêu khắc bằng đá, sư tử được tạc từ 1 khối đá lớn cao 1,2m, rộng 1,36m trong tư thế nằm phủ phục, đường nét đặc biệt mềm mại, tạo cho chúa sơn lâm một vẻ đẹp, vừa uyển chuyển, vừa oai hùng mạnh mẽ. Bằng nghệ thuật điêu khắc tinh tế với nhiều họa tiết đan móc khiến cho người xem có cảm giác những con vật trang trí vẫn đang thở nhịp nhàng. Có thể nói, đây là một công trình nghệ thuật điêu khắc tuyệt tác, một hiện vật cổ quý và hiếm ở Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á.Cụm di tích đền, chùa Nguyên Phi Ỷ Lan không chỉ là nơi thờ phụng một danh nhân lịch sử văn hóa nổi tiếng của nước nhà mà còn là điểm di tích cách mạng rất đáng trân trọng của dân tộc. Trong thời kỳ tiền khởi nghĩa đây là nơi được đón các lãnh đạo ở T.Ư và xứ ủy Bắc Kỳ như Hoàng Văn Thụ, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp… về hoạt động.