Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh 7 nội dung cần thực hiện của giáo dục Hà Nội trong năm học mới

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đoàn công tác Bộ GD&ĐT do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ làm trưởng đoàn vừa có buổi kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ năm học 2021 – 2022 và triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018 tại Hà Nội.

Dạy trực tuyến tốt là làm học trò “bận rộn”
Để nắm tình hình trực tiếp tại địa phương, lắng nghe ý kiến của các thầy cô trong việc triển khai chương trình Giáo dục phổ thông mới (GDPT 2018); công tác dạy- học trực tuyến và tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, Đoàn công tác đã có buổi làm việc tại trường THCS Đống Đa và Tiểu học Kim Liên (quận Đống Đa).
Tham dự 2 tiết học trực tuyến môn tiếng Anh (khối 6) tại trường THCS Đống Đa và môn Toán (khối 5) tại trường Tiểu học Kim Liên, Đoàn công tác ghi nhận những nỗ lực, cố gắng, sáng tạo, linh hoạt trong dạy học của cả thầy và trò. Thành viên đoàn công tác ghi nhận: Trong giờ học trực tuyến, giáo viên kinh nghiệm, tâm huyết; học sinh hào hứng phát biểu xây dựng bài; được làm việc nhóm, học qua trò chơi và tương tác tốt. Tuy nhiên, vấn đề đường truyền yếu, lỗi mạng, học sinh bị “bật” ra khỏi lớp học vẫn xảy ra.
 Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương và thành viên đoàn công tác dự giờ một tiết học trực tuyến tại trường Tiểu học Kim Liên
Chủ động kế hoạch học trực tuyến; các trường học trên địa bàn quận Đống Đa đã xây dựng thời khóa biểu linh hoạt, phù hợp với từng khối lớp, từng lứa tuổi; trong đó khối 1: 15 tiết/tuần; khối 2: 16 tiết/tuần; khối 3: 18 tiết; khối 4- 5: 20 tiết; tránh việc học sinh tiếp xúc với thiết bị điện tử trong thời gian dài; quan tâm tương tác giữa thầy và trò; không gây áp lực cho học sinh; lồng ghép hoạt động thêm, hoạt động khởi động để tăng hứng thú trước mối giờ học.
Hiệu trưởng trường Tiểu học Bế Văn Đàn Mai Tố Quyên cho biết: Với cách sắp xếp chương trình khoa học, hợp lý; sử dụng thành thạo các phần mềm công nghệ thông tin cộng sự phối hợp chặt chẽ với phụ huynh nên công tác dạy trực tuyến tại trường đạt được nhiếu kết quả tốt; việc dạy học trực tuyến sẽ hiệu quả hơn nếu phối hợp với học trên truyền hình.
Dạy học trực tuyến khác dạy học trực tiếp; do đó giáo án trực tuyến cũng phải khác giáo án trực tiếp. Trong giờ học trực tuyến người giáo viên có vai trò rất quan trọng để tạo hứng thú, thu hút sự tham gia vào tiết học của học trò. Muốn vậy, cần làm cho học trò "bận rộn" bằng cách giao nhiều việc để các em tích cực tham gia trao đổi, nghiên cứu, đóng góp xây dựng bài- Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh.
Còn Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Thái Văn Tài nêu nhận xét, tuy các trường đã có cách tiếp cận với hình thức dạy học trực tuyến đúng hướng nhưng cần chuyển đổi mạnh về phương pháp để bài giảng hấp dẫn, lôi cuốn hơn; tận dụng nhiều tính năng giao tiếp của phần mềm hơn; đặc biệt cần tăng cường công tác tập huấn đối với giáo viên để linh hoạt hơn trong giờ dạy.
Chủ động xây dựng chương trình đổi mới
Nếu chương trình hiện hành là “đồng phục” của cả nước thì chương trình GDPT mới tùy kế hoạch của nhà trường; do nhà trường quyết định. Về chương trình GDPT lớp 6, hiệu trưởng một số trường THCS thuộc quận Đống Đa cho biết, qua các đợt bồi dưỡng giáo viên, nhiều vấn đề của chương trình GDPT mới đã dần thấu rõ. Thầy cô kỳ vọng sau 4 năm thực hiện chương trình sẽ có lứa học sinh đầu ra khỏe mạnh về thể chất, năng lực tốt, cảm thụ tốt, thành thạo ngoại ngữ- tin học; giữ gìn và phát huy những truyền thống tốt đẹp của địa phương. Các trường rất quyết tâm, cố gắng vượt qua khó khăn để thực hiện tốt chương trình mới, mang lại màu sắc mới cho ngành GD&ĐT.
Theo cô Đinh Thị Vân Hồng- Hiệu trưởng trường THCS Đống Đa, những thuận lợi cơ bản trong năm đầu triển khai chương trình GDPT mới đó là thầy cô giáo đã chuẩn bị tâm thế từ nhiều năm trước; có hệ thống văn bản hướng dẫn thống nhất xuyên suốt; đội ngũ giáo viên được tập huấn bài bản, kỹ càng; cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư... Khi tiến hành triển khai, trường đã sắp xếp giáo viên giàu kinh nghiệm dạy lớp 6 để bồi dưỡng, truyền đạt kinh nghiệm cho những khóa sau. Tuy nhiên, cũng có khó khăn, lúng túng nhất định, điển hình là việc lên thời khóa biểu, phân công giáo viên dạy những môn học tích hợp.
 Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ và đoàn công tác làm việc tại trường THCS Đống Đa
Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dụ Trung học Võ Đức Quế cho rằng, các trường cần nhận thức sâu sắc hơn về các môn tích hợp; ưu tiên phân công giáo viên lớp 6 trước; dạy môn tích hợp theo mạch logic kiến thức tương ứng các chủ đề; thường xuyên trao đổi sinh hoạt tổ chuyên môn; đảm bảo không bị động thực hiện chương trình mới.
Báo cáo với đoàn công tác, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Xuân Tiến cho biết, Hà Nội đã tổ chức triển khai, đánh giá Chương trình GDPT lớp 1 và SGK lớp 1 cho kết quả rất thành công. Khi triển khai chương trình GDPT lớp 2, lớp 6, Sở đã chủ động, chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng, tổ chức tập huấn chương trình với sự tham gia của 100%; sau đó là tập huấn SGK lớp 2, lớp 6; chỉ đạo chuyên môn cụ thể với các nhà trường. Năm học mới, Hà Nội đảm bảo 100% các trường dạy trực tuyến; số học sinh học trực tuyến đạt gần 100%; công tác dạy và học trực tuyến được đánh giá đạt chất lượng rất tốt. Thời điểm này, Hà Nội đã hỗ trợ hơn 5.000 trang thiết bị học trực tuyến cho học sinh và dự kiến hoàn tất hỗ trợ thiết bị cho học sinh trước 10/10. Ở một số khu vực đường truyền kém, Sở GD&ĐT đã thống nhất Sở TT&TT tăng cường hệ thống đường truyền để học sinh học trực tuyến đầy đủ.
Kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị ngành Giáo dục Hà Nội tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, trong đó nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là bảo đảm an toàn cho học sinh, nỗ lực hoàn thành kế hoạch năm học, không để những khó khăn của dịch làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Để hoàn thành nhiệm vụ này, các nhà trường cần xây dựng phương án dạy học; sắp xếp thời khoá biểu linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế và đối tượng học sinh.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh 7 nội dung: Thứ nhất, các trường và thầy cô giáo cần nhận thức về đặc thù của năm học để có cách ứng phó phù hợp. Thứ hai, nắm chắc chương trình GDPT mới (tổng thể và từng môn); chú trọng các môn tích hợp; phân công giáo viên dạy phân môn hợp lý. Thứ ba, tổ chức dạy học trên truyền hình để học sinh có thêm kênh học tập hiệu quả; phối hợp giữa dạy trực tuyến và dạy trên truyền hình. Thứ tư, xây dựng kho học liệu điện tử phong phú; bài giảng dùng chung. Thứ năm, quan tâm tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên; hướng dẫn các nhà trường xây dựng chương trình bảo đảm tinh gọn, đạt yêu cầu. Thứ sáu, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, huy động nguồn lực xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Thứ bảy, tiếp tục đổi mới công tác quản lý; đẩy mạnh việc xây dựng trường học hạnh phúc.
Phát biểu tại buổi làm việc, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết: Hà Nội vừa thông qua 7 nghị quyết về lĩnh vực GD&ĐT (sữa học đường, mức trần học phí, hỗ trợ học phí, hỗ trợ giáo viên, nguồn quỹ đất dành cho xây dựng trường học…) có tác động lớn đến ngành GD&ĐT Thủ đô. Với phương châm “tạm dừng đến trường nhưng không dừng học”, Hà Nội đã triển khai các kịch bản linh hoạt; xây dựng kho học liệu dùng chung, dạy và học trên truyền hình… Sở đã phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng 4 kịch bản dạy học ứng phó với diễn biến của dịch Covid-19 để báo cáo UBND TP. Giám đốc Sở GD&ĐT cũng đề xuất Bộ GD&ĐT tháo gỡ khó khăn của ngành GD&ĐT Hà Nội; trong đó có tình trạng thiếu giáo viên và vấn đề quỹ đất với việc xây dựng trường chuẩn quốc gia theo chuẩn mới.