Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thứ trưởng Bộ Xây dựng: "Tôi lạc quan về địa ốc năm nay"

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng gần đây giao dịch nhà đất tại Hà Nội tăng lên và nửa cuối năm, khi lạm phát được kiểm soát, lĩnh vực này sẽ lại được rót vốn.

KTĐT - Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng gần đây giao dịch nhà đất tại Hà Nội tăng lên và nửa cuối năm, khi lạm phát được kiểm soát, lĩnh vực này sẽ lại được rót vốn.

- Tín dụng cho bất động sản đang bị siết lại với lý do đây là lĩnh vực phi sản xuất, ông nghĩ sao về điều này?

- Tôi cho rằng, tạo lập bất động sản là một ngành sản xuất, vì nó ra sản phẩm hẳn hoi. Xây ra một cái nhà 30 tầng cao khoảng 90 m, có kích thước khối lượng nhất định và nó là sản phẩm xử dụng rất nhiều vật liệu xây dựng, xi măng sắt thép, gạch ngói…Trường hợp dịch vụ, hoặc kinh doanh mua bán hay vay tiền để giải phóng đất đai rồi để đấy thì đúng là thuộc lĩnh vực phi sản xuất thật. Bởi vậy, tôi cho rằng xếp bất động sản vào lĩnh vực phi sản xuất thì không hoàn toàn chính xác.

- Doanh nghiệp kêu vốn cũng giống như nước, không có nước thì địa ốc năm nay không thể có "sóng". Với tư cách là cơ quan đầu ngành, Bộ Xây dựng giải quyết bài toán này thế nào thưa ông?

- Chúng tôi vẫn tiếp tục để xuất thành lập các tổ chức tài chính trung gian có tính chất chuyên biệt cho thị trường bát động sản như quỹ tín thác. TP HCM đã đề nghị thành lập thí điểm quỹ tín thác bất động sản. Có quỹ này, chúng ta có thể huy động vốn rất tốt. Ngoài ra, chúng tôi cũng đề xuất thành lập quỹ tiết kiệm nhà ở có thể cho người dân vay vốn để mua nhà. Quỹ này sẽ do Bộ Xây dựng chủ trì và dự kiến trình Chính phủ vào quý 4. Nếu được thông qua thì có thể sang năm 2012 mới đi vào thực tế.

- Thị trường giao dịch chưa sôi động nhưng vì sao giá lại cứ bị đẩy lên vượt quá cao thu nhập của người dân thưa ông?

- Thị trường chưa phát triển bền vững. Doanh nghiệp muốn giá cao cũng sẽ giống như triết lý kinh doanh bán bát phở 500.000 thì lợi nhuận trên từng bát cao nhưng người ăn ít. Những hàng phở 20.000-25.000 lợi nhuận trên bát ít nhưng số bát lại bán được nhiều. Người giàu đã mua nhà hết rồi và cùng lắm họ mua cái thứ 2, thứ 3, đến cái thứ 4 là hết tiền. Bởi vậy, doanh nghiệp phải nhắm đến những người có nhu cầu ở thật và xây các căn hộ nhỏ. Một thực tế là người dân mình còn chạy theo tin đồn. Cơn sốt bất động sản năm ngoái là một ví dụ điển hình, dư luận làm nó sốt và chúng ta lại phải chữa bằng dư luận. Các lãnh đạo trong đó có tôi đã đăng đàn, lên báo nói giá cả cũng xẹp luôn và đợt sốt nóng cũng hạ nhiệt luôn.

- Đại đa số doanh nghiệp nhận định tình hình địa ốc năm nay sẽ không hề “dễ thở", còn Thứ trưởng nhận định thế nào?

- Tình hình thị trường bất động sản theo tôi sẽ bình bình như năm 2010, không sốt nóng, cũng không đóng băng mà vẫn là túc tắc sống được. Tôi vẫn lạc quan. Mỗi doanh nghiệp phải có chiến lược riêng để phát triển. Biện pháp chống lạm phát rất quyết liệt và tôi hy vọng trong 5 tháng tới sẽ kiềm chế được lạm phát. Nửa cuối năm mà lạm phát ổn thì tôi tin thị trường sẽ lại có đèn xanh, tiền lại ra và chúng ta lại có để đầu tư.

- Từng là lãnh đạo một công ty nếm đủ mọi thăng trầm trong kinh doanh, Thứ trưởng có lời khuyên gì để giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này?

- Trong cuộc đời mỗi con người sẽ có lúc thế này lúc thế kia và chúng ta phải chấp nhận. Có nhiều cách như liên doanh, liên kết, rồi gọi vốn. Túng quá thì phải bán bất động sản hoặc nghiến răng chịu đựng. Tôi vẫn cho rằng thị trường bất động sản có thời cơ vì một số tín hiệu đã cho thấy khi giá vàng, đôla tăng và thị trường chứng khoán suy giảm, Chính phủ và ngân hàng giảm dòng tiền vào bất động sản nhưng người dân sẽ đổ tiền vào địa ốc. Bằng chứng là tại Hà Nội, giao dịch gần đây đã tăng, giá cả gần đây cũng lên, bán căn hộ chỉ trong một buổi sáng. Tôi nghĩ trong cái khó sẽ ló cái khôn và trong thách thức sẽ có thuận lợi.

- Một số doanh nghiệp đang dùng đôla để tham chiếu giá bán nhà để tránh lạm phát. Bộ Xây dựng nghĩ sao về điều này?

- Theo quy định, mọi giao dịch buôn bán, ký kết hợp đồng trên lãnh thổ VN đều phải dùng tiền VN. Nhưng các chủ dự án thường lách luật bằng cách vẫn ký hợp đồng thanh toán nội tệ nhưng giá bán tính theo USD và luật cho phép họ như vậy. Chuyện đáng nói hiện nay là thị trường bất động sản Hà Nội thuộc về người bán và đôi khi họ thường áp đặt các quy định giao dịch theo ý mình và người mua buộc phải làm theo. Do vậy, người dân khi mua nhà cần phải có tư vấn pháp lý như các nhà môi giới chuyên nghiệp, văn phòng luật sư và tham khảo chính quyền địa phương và các kênh khác nhau vì đây là tài sản lớn và phức tạp.