Kinhtedothi - Ngày 25/6, Bộ TN&MT phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội nghị đối thoại doanh nghiệp (DN) về thủ tục hành chính trong lĩnh vực TN&MT. Nhiều ý kiến cho rằng, thủ tục hành chính là mảnh đất nảy sinh tình trạng quan liêu, gây khó khăn cho các DN trong việc triển khai dự án...
Lắm thủ tục, gây phiền hà
Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đánh giá, dù đã được cải cách khá sớm nhưng thủ tục hành chính vẫn gây tốn kém thời gian, công sức, chi phí và thậm chí gây phiền hà, bức xúc cho DN và người dân. Do sự phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước chưa đồng bộ, chưa rõ ràng nên đã nảy sinh tình trạng quan liêu, tham nhũng phức tạp trong việc thực hiện các thủ tục hành chính.
Làm thủ tục hành chính tại Sở KH&ĐT TP Hà Nội. Ảnh: Linh Tâm
|
TN&MT là cơ quan thanh, kiểm tra DN thường xuyên thứ 4 (sau Thuế, Quản lý thị trường và An toàn phòng chống cháy nổ) trong giai đoạn 2010 - 2013. Tuy nhiên, lĩnh vực này lại gây khó khăn, phiền hà cho DN, đặc biệt là các thủ tục hành chính về đất đai. "Có khoảng 55% DN tham gia cuộc khảo sát do VCCI tiến hành cho biết, từng gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai trong năm 2013 và tỷ lệ này có xu hướng gia tăng kể từ năm 2010 trở lại đây. Ngoài ra, thủ tục tiến hành đánh giá tác động môi trường nhiều khi còn mang tính hình thức mà chưa thực chất. Cụ thể, nhiều DN không ký được hợp đồng với bất kỳ một DN xử lý chất thải nguy hại nào, nên họ phải mang đi tỉnh khác xử lý, khiến chi phí gia tăng" - Trưởng ban Pháp chế của VCCI Đậu Anh Tuấn chia sẻ.
Thủ tục… xoay vòng
Các ý kiến cũng đánh giá, sự phối hợp giữa các cơ quan, sở, ngành chưa đồng bộ, gây khó khăn cho DN, đặc biệt là trong khâu xin chấp thuận đầu tư dự án, làm chậm quy trình đầu tư. Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết, khi phát triển dự án, DN phải xin định hướng của UBND tỉnh có cho phép đầu tư hay không. Tuy nhiên, khi gửi văn bản lên, UBND tỉnh cũng không trực tiếp trả lời, mà phải hỏi các sở, ngành, chờ các đơn vị trả lời. Đến thủ tục thứ 2, phải qua Sở KH&ĐT chờ chấp thuận đầu tư. Sở KH&ĐT là đầu mối nhận "một cửa", tuy nhiên cũng không trực tiếp trả lời, mà phải hỏi Sở QH - KT, Xây dựng, TN&MT. Nếu liên quan đến xây dựng trường học, phải hỏi thêm Sở GD&ĐT, liên quan đến đền, chùa, phải hỏi thêm Sở VHTT&DL; đồng thời, hỏi thêm ở quận, huyện sở tại nơi triển khai dự án. Sau khi có sự chấp thuận đầu tư của khoảng 6 đơn vị, Sở KH&ĐT mới làm báo cáo gửi UBND tỉnh để xin chấp thuận. Tuy nhiên, sau đó khoảng 40 ngày, DN tiếp tục phải xin giấy chứng nhận đầu tư, cũng do Sở KH&ĐT cấp, lại tiếp tục xoay vòng ở 6 nơi như ban đầu, lặp lại các bước thủ tục trước đó, rất mất thời gian.
Sau khi có giấy chứng nhận đầu tư, DN phải xin giấy phép quy hoạch, do Sở QH - KT xử lý, cũng phải hỏi đúng 6 đơn vị trước đó. Sau khi có giấy phép quy hoạch, DN mới có bản vẽ cụ thể để làm tổng thể. Tiếp đó, DN lại tiếp cận với Sở TN&MT để tổng hợp nhu cầu sử dụng đất, cũng phải qua 6 sở, ban, ngành, Sở TN&MT mới ra được quyết định giao đất, rồi mới xin cấp phép xây dựng. "Như vậy, để thực hiện được dự án, các thủ tục rất khó khăn, vì vậy, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ rất khó tiếp cận được dự án…" - ông Nguyễn Quốc Hiệp chia sẻ.
Để khắc phục tình trạng này, ông Đậu Anh Tuấn kiến nghị, Bộ TN&MT cần có những "đột phá" trong việc GPMB, tạo quỹ đất sạch cho DN. Ngoài ra, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho DN và nhà đầu tư trong việc tiếp cận và sử dụng đất, đơn giản hóa đánh giá tác động môi trường.
Đại diện VCCI cũng hy vọng, từ ngày 1/7, khi thực hiện Luật Đất đai 2013, sẽ tạo được những quỹ đất sạch, thuận lợi hơn để DN và các nhà đầu tư nước ngoài mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo khảo sát của VCCI, hiện có 4 thủ tục hành chính trong lĩnh vực TN&MT tác động lớn đến người dân và DN là đất đai, khoáng sản, tài nguyên nước và môi trường. |