Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thủ tướng chủ trì họp báo về kết quả chính của MRC

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngay sau khi kết thúc Hội nghị Cấp cao lần thứ hai Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC), chiều 5/4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thay mặt Lãnh đạo Chính phủ các nước thành viên Ủy hội chủ trì buổi họp báo quốc tế, thông báo về những kết quả của Hội nghị.

Cùng dự có Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc. Buổi họp báo thu hút sự quan tâm, tham dự của khoảng 100 phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài nước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp báo quốc tế.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp báo quốc tế.
Thông tin với các nhà báo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định sự kiện các thành viên Ủy hội nhất trí thông qua Tuyên bố của Hội nghị Cấp cao lần thứ hai Ủy hội sông Mekong quốc tế (được gọi là Tuyên bố Thành phố Hồ Chí Minh) là một trong những kết quả quan trọng nhất của Hội nghị lần này.

Thông qua Tuyên bố, các thành viên tiếp tục khẳng định tinh thần đoàn kết và cam kết chính trị cao nhất đối với việc thực hiện Hiệp định Hợp tác Phát triển bền vững lưu vực Mekong năm 1995 và các quy định, thủ tục của Ủy hội.

Các thành viên cũng cam kết thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác, tăng cường vai trò của Uỷ hội sông Mekong quốc tế hướng tới mục tiêu quản lý và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên nước, đảm bảo an ninh nước, lương thực và năng lượng trong lưu vực sông Mekong.

Ủy hội xác định 6 lĩnh vực hoạt động ưu tiên và 6 định hướng cho hoạt động hợp tác trong giai đoạn tới; đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các Đối tác Đối thoại, các Đối tác Phát triển, các sáng kiến khu vực và quốc tế có liên quan.

Về vai trò và đóng góp của Việt Nam tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, với tư cách là nước chủ nhà, Việt Nam đã chủ động, tích cực phối hợp với các thành viên và Ban Thư ký Ủy hội chuẩn bị tốt cho Hội nghị Cấp cao lần này, trong đó có việc đóng góp vào quá trình xây dựng chương trình nghị sự và nội dung của Hội nghị.

Nhiều ý kiến, đề xuất của Việt Nam đã được các thành viên nhất trí đưa vào Tuyên bố Thành phố Hồ Chí Minh. Trước Hội nghị Cấp cao, từ ngày 2-3/4/2014 Việt Nam cũng đã phối hợp với Ban Thư ký Ủy hội tổ chức Hội nghị quốc tế với chủ đề “Hợp tác về an ninh nguồn nước, năng lượng và lương thực ở các lưu vực xuyên biên giới trong bối cảnh biến đổi khí hậu” với hơn 300 đại biểu trong và ngoài nước tham dự.

Tại Hội nghị Cấp cao lần này, Việt Nam đã nhấn mạnh quan tâm và ưu tiên đối với sự ổn định và phát triển bền vững sông Mekong và Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng; nêu bật những nỗ lực, biện pháp Việt Nam đã và đang triển khai nhằm bảo vệ an ninh nguồn nước và hệ sinh thái ở hạ lưu sông Mekong. 

Việt Nam cũng cam kết tiếp tục hợp tác với các thành viên, các đối tác nhằm phát huy vai trò của Ủy hội và thúc đẩy hợp tác Mekong.

Cũng tại buổi họp báo, Ban Tổ chức đã trả lời câu hỏi của các phóng viên về những vấn đề nổi bật hiện nay trong hợp tác Mekong, trong đó có việc đảm bảo an ninh nước, năng lượng và lương thực trong bối cảnh gia tăng nhu cầu sử dụng tài nguyên nước và các tài nguyên khác của sông Mekong trước áp lực phát triển kinh tế xã hội cũng như các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Theo Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang, những thách thức mà các lưu vực sông quốc tế đang phải đối mặt không thể giải quyết một cách riêng rẽ, độc lập mà cần phải có sự hợp tác quốc tế chặt chẽ cũng như thực hiện các cam kết chính trị cao nhất của tất cả các quốc gia trong lưu vực.

Do vậy, việc xây dựng và thực hiện một cách nghiêm túc, đầy đủ các cơ chế, thể chế đó là hết sức cần thiết. Việc duy trì và mở rộng đối thoại, trao đổi chia sẻ thông tin một cách kịp thời giữa các quốc gia trong lưu vực cũng là một giải pháp hiệu quả để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, xây dựng lòng tin, và củng cố hợp tác.

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cũng khẳng định quyết tâm của các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam đối với việc thực hiện các nội dung của Tuyên bố TP Hồ Chí Minh.