Cuộc đối thoại có sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; các đồng chí đại diện các bộ, ban ngành T.Ư; các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh các tỉnh, TP. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tham dự hội nghị.
“Năng suất cao hơn, phúc lợi tốt hơn”Đây là năm thứ 3 liên tiếp vào dịp Tháng Công nhân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với CNLĐ. Thông qua cuộc đối thoại có chủ đề “Năng suất cao hơn, phúc lợi tốt hơn”, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành trực tiếp nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của công nhân, người lao động; tiếp nhận các kiến nghị, qua đó tiếp tục hoàn thiện chính sách đối với CN, NLĐ. Đồng thời, “đặt hàng” lại chính các công nhân đang trực tiếp sản xuất về những vấn đề liên quan đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và những giải pháp thiết thực để CNLĐ thực sự trở thành công nhân khu vực, công nhân toàn cầu trong bối cảnh hội nhập.Tại buổi đối thoại, Thủ tướng bày tỏ niềm vui vì được gặp gỡ công nhân khu vực đồng bằng Sông Hồng. Đồng thời, khẳng định đây là hoạt động hết sức có ý nghĩa, được CNLĐ và cán bộ công đoàn kỳ vọng, mong muốn trở thành hoạt động thường xuyên, nề nếp, để từng bước nâng cao đời sống cho CNLĐ, “củng cố giai cấp công nhân Việt Nam đông về số lượng và mạnh về chất lượng”.
Quan tâm đến thiết chế văn hóa, đảm bảo sức khỏe cho CNLĐTại buổi đối thoại, nhiều công nhân bày tỏ băn khoăn và mong muốn được tạo được điều kiện về nhà ở và trường học gần các KCN. Về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, vấn đề nhà ở, trường học cho công nhân là vấn đề lớn, luôn được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo thực hiện.Đáng chú ý, Thủ tướng hoan nghênh Hà Nội dành đất xây dựng nhà tại Thủ đô. Thủ tướng yêu cầu phải có hệ thống nhà trẻ đạt tiêu chuẩn, xây dựng bằng phương thức xã hội hóa, tạo điều kiện tối đa cho công nhân. Thủ tướng cũng chỉ đạo không riêng Hà Nội, các địa phương cũng cần dành quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân.Về các giải pháp đảm bảo sức khỏe cho NLĐ, tạo điều kiện cho công nhân đi khám chữa bệnh ngoài giờ được hưởng chế độ bảo hiểm, Thủ tướng giao Bộ Y tế tích cực phối hợp với các ngành và địa phương, tập trung giải quyết cơ bản các kiến nghị của anh em công nhân nhằm nâng cao sức khỏe NLĐ, nhất là việc hình thành mạng lưới bệnh viện, trạm y tế ngay gần KCN. Đây cũng là trách nhiệm của chủ DN, Thủ tướng đề nghị từng DN quan tâm thường xuyên việc cải thiện điều kiện làm việc, tổ chức khám chữa bệnh và bữa ăn giữa ca của công nhân.
Không tạo kẽ hở để người sử dụng lao động ép lương NLĐLắng nghe tâm tư của công nhân lo lắng trước việc Chính phủ chuẩn bị sửa đổi Nghị định 49 năm 2013, trong đó có việc bỏ hoặc cắt giảm thang lương, bảng lương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Nhà nước quy định tiền lương tối thiểu là mức sàn thấp nhất để bảo vệ người lao động, đồng thời là một trong những căn cứ để thỏa thuận tiền lương và điều tiết thị trường lao động.Phân phối tiền lương dựa trên kết quả lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh, bảo đảm mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong DN. DN được tự chủ quyết định chính sách tiền lương và trả lương theo năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN.“Đề nghị Bộ LĐTBXH, cơ quan chủ trì soạn thảo Nghị định 49 sửa đổi cần lấy ý kiến rộng rãi người lao động và tổ chức công đoàn các cấp, cẩn trọng xem xét thấu đáo các vấn đề, không gây sốc cho số đông người lao động, không tạo kẽ hở để người sử dụng lao động ép lương NLĐ”, Thủ tướng yêu cầu.
Về vấn đề mức hưởng lương hưu thiệt thòi đối với lao động nữ về hưu từ 1/1/2018, Thủ tướng đề nghị Bộ LĐTBXH hoàn thiện nghiên cứu đề xuất, báo cáo Chính phủ để Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội, với quan điểm chung là không để lao động nữ thiệt thòi. Vần đề nghỉ hưu sớm và hưởng chế độ lương hưu đặc thù của công nhân làm việc trong các hầm lò ngành than và các ngành khác nặng nhọc, độc hại, cần được tiếp thu, nghiên cứu khi sửa Luật Bảo hiểm xã hội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch TLĐLĐ Việt Nam tặng bộ máy vi tính cho công nhân Vũ Xuân Đạt. Ảnh: Lao động |
Xây dựng đội ngũ nhân lực thích ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0Trả lời vấn đề Chính phủ đã và sẽ có giải pháp gì để đảm bảo việc làm, thu nhập của NLĐ trong lĩnh vực dệt may, da giầy trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Thủ tướng cho biết, quan điểm tiếp cận của Chính phủ đó là cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội thực hiện khát vọng phồn vinh của dân tộc, “chúng ta không thể bỏ lỡ và cần chủ động nắm bắt, phải biến thách thức thành cơ hội”. Nhiều việc làm mất đi nhưng phải làm xuất hiện những việc làm mới tốt hơn.Trên mọi lĩnh vực điều hành của Chính phủ luôn lưu ý nội dung này. Thậm chí vừa rồi, trong các yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ, T.Ư cũng bàn và đặt ra yêu cầu là đội ngũ cán bộ đó phải thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. “Với trách nhiệm của người đứng đầu Chính phủ, tôi đã ban hành Chỉ thị 16 về tận dụng cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với nhiều giải pháp quan trọng”.Thủ tướng thẳng thắn chỉ ra: Công nhân nước ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn, một số vấn đề lớn mà công nhân đặc biệt quan tâm, bức xúc chưa được giải quyết hoặc giải quyết chưa triệt để. Bên cạnh nhiều bộ, ngành, địa phương nỗ lực giải quyết các kiến nghị của công nhân, quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ công nhân thì vẫn còn một số bộ, ngành và địa phương chưa tích cực tham mưu, chỉ đạo và tập trung giải quyết các nguyện vọng chính đáng của CNLĐ.Đối với DN, để nâng cao năng suất và phúc lợi cho NLĐ, các DN cần phải tập trung ứng dụng khoa học, đổi mới công nghệ đi đôi với đào tạo đội ngũ chuyên gia, công nhân lành nghề để chủ động làm chủ khoa học - công nghệ.Đối với các bộ, ngành và địa phương, Thủ tướng yêu cầu cần có chính sách và giải pháp quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho DN, hỗ trợ NLĐ. Phải kiên trì theo đuổi mục tiêu tăng năng suất và nâng cao phúc lợi ở từng DN thông qua việc tham mưu thể chế, lắng nghe DN và NLĐ, kiểm tra, đôn đốc, kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh.
Hà Nội quan tâm chăm lo nhà ở, thiết chế công đoàn công nhân Tại buổi đối thoại, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, TP luôn xác định chăm lo thiết chế công đoàn công nhân trên địa bàn. Trước đó, TP đã xây dựng trường mầm non tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long. TP đã xây dựng một số nhà ở công nhân, cho thuê với giá 29.000đ/m2/tháng. TP cũng giao cho huyện Đông Anh đưa vào 2 trường mầm non vào khu vực KCN Bắc Thăng Long.“Chúng tôi sử dụng ngân sách TP, tháng 8 sẽ triển khai nhà ở tại KCN Bắc Thăng Long, với giá từ 200 - 400 triệu/căn hộ. Chúng tôi cũng giao cho Tổng Công ty Vận tải tổ chức xe buýt vào tận các KCN; các thiết chế văn hóa đã được đầu tư tại KCN Bắc Thăng long, Quang Minh”, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung thông tin. |