Tại hội nghị, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, năm 2018, NHNN đã mua thêm hơn 6 tỷ USD để tăng dự trữ ngoại hối. Cụ thể, về điều hành chính sách tỷ giá và thị trường ngoại tệ năm 2018, Việt Nam chịu tác động rất lớn, phức tạp và khó lường của thị trường quốc tế và những diễn biến trong khu vực.
Tuy nhiên, NHNN chủ động và linh hoạt điều tiết thị trường ngoại hối, điều hành tỷ giá trung tâm, phối hợp đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ, điều tiết thanh khoản, lãi suất tiền VNĐ hợp lý để ổn định thị trường. Nhờ đó, tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định. Thực tế, đồng tiền Việt Nam giữ ổn định trong khi các đồng tiền khác trên thế giới bị mất giá. Tỷ giá trung tâm tăng 1,7 - 1,8%. Tỷ giá giao dịch liên ngân hàng tăng 2,16%. Bên cạnh đó, công tác điều hành tín dụng trong năm 2018 tăng trưởng 14%, thấp hơn so với các năm trước nhưng vẫn góp tăng trưởng kinh tế đạt 7.08%. Về công tác xử lý nợ xấu trong năm 2018, toàn hệ thống xử lý được 149,22 nghìn tỷ đồng.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những đóng góp của ngành trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt vai trò trong kiểm soát lạm phát ở 3,54% năm 2018. Nỗ lực này được lãnh đạo Chính phủ ghi nhận trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều biến động, đồng nội tệ các nước mất giá, lãi suất điều hành của các ngân hàng trung ương liên tục điều chỉnh và đặc biệt là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Thủ tướng nhấn mạnh một vài con số là điểm sáng trong năm 2018. Thứ nhất, mua vào 10 tỷ USD, tăng dữ trự ngoại hối lên con số kỷ lục hơn 60 tỷ USD. Con số thứ hai là tăng trưởng tín dụng 14% thấp hơn 2017 nhưng GDP cả nước lại tăng 7,08%. Điều này cho thấy dòng tín dụng từ hệ thống ngân hàng đã được "bơm" vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt các ngành ưu tiên như nông nghiệp, xuất khẩu. Nợ xấu đã được kéo giảm từ mức 2,46% trước đó xuống chỉ còn 1,89% tổng dư nợ. Đáng chú ý, toàn hệ thống đã xử lý được khoảng 900.000 tỷ đồng nợ xấu, cục máu đông nợ xấu đang nhỏ dần, nhiều nơi đã tan đi.
Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ vẫn cho rằng, so với khu vực và thế giới, hệ thống ngân hàng Việt Nam còn nhiều hạn chế về tiềm lực tài chính, chất lượng tài sản chưa cao, danh mục sản phẩm dịch vụ còn nghèo nàn. Thủ tướng thẳng thắn nhận xét, trình độ quản lý điều hành ở một số nhà băng còn chưa cao, mô hình bên trong các ngân hàng thương mại còn cồng kềnh, thiếu chuyên nghiệp.
Thủ tướng cũng cho rằng công nghệ ngân hàng còn khoảng cách đáng kể so với trình độ khu vực và thế giới. Thủ tướng yêu cầu hành lang pháp lý cần đầy đủ chế tài đảm bảo ngừa rủi ro cho hệ thống cũng như người sử dụng. Đồng thời, đặt hàng yêu cầu NHNN sớm có lời giải bài toán ngân hàng với cách mạng 4.0, ngân hàng phải làm gì để tiên phong trong cách mạng 4.0, tạo cú hích đối với cả nền kinh tế, trong đó có vấn đề thanh toán điện tử. Xây dựng, trình Thủ tướng phương án tăng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ đến năm 2020 để đáp ứng đủ vốn theo tiêu chuẩn, chuẩn mực của Basel 2. Kiểm soát tăng trưởng tín dụng hợp lý, gắn với nâng cao chất lượng, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên phát triển..
Đặc biệt, xử lý tín dụng đen - vấn nạn ngày một nhức nhối trong xã hội - được Thủ tướng nhắc tới khá nhiều. Thủ tướng dẫn lại phát biểu của đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) trên diễn đàn Quốc hội cho rằng, "tình trạng tín dụng đen, lãi suất cho vay cắt cổ đang bủa vây người dân từ thành thị tới nông thôn và khiến nhiều người trở thành những "chị Dậu mới".
Đồng tình với báo động của Ngân hàng Thế giới về tỷ lệ dân số chưa tiếp cận được với tín dụng của Việt Nam hiện khá cao, Thủ tướng chỉ đạo: "Vấn đề này có phần trách nhiệm của ngân hàng khi chưa mang dịch vụ ngân hàng được đến vùng sâu xa, nông thôn. Các đồng chí cần chủ động hơn trong phối hợp với Bộ Công an xử lý tốt hơn tình trạng tín dụng đen, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vốn ngân hàng".
Đánh giá cao việc ngành ngân hàng dành trên 5.000 tỷ đồng đối với chính sách cho vay nông thôn, vùng sâu vùng xa nhưng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn cho rằng hệ thống ngân hàng thương mại, Ngân hàng Chính sách nên vươn ra hơn nữa để đáp ứng nhu cầu cần thiết cho người dân nghèo.
Thủ tướng cũng cho biết, trong năm 2019, Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết về đẩy lùi tín dụng đen. Theo đó, Bộ Công an và các bộ, ngành khác, chính quyền các tỉnh, thành sẽ vào cuộc.
Về điều hành tín dụng năm 2019, mục tiêu NHNN đặt ra tăng khoảng 14% nhưng có điều chỉnh tùy theo tình hình kinh tế vĩ mô. Điều hành tỷ giá và tiền tệ linh hoạt, ổn định, tăng lòng tin của thị trường và tiếp tục củng cố dự trữ ngoại hối nhà nước. Nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác thanh tra giám sát, đặc biệt là giám sát từ xa đảm bảo chất lượng hoạt động của toàn hệ thống và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động ngân hàng. Đồng thời, các tổ chức tín dụng phải nỗ lực đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu. Vì Nghị quyết của Chính phủ giao cuối năm 2019, nợ nội bảng xuống 2%, nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu, nợ bán cho Công ty quản lý nợ của các tổ chức tín dụng xuống dưới 5%. |