Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thủ tướng nghe góp ý chiến lược, kế hoạch phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Nam Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 16/7, tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc làm việc của Tiểu ban Kinh tế-Xã hội Đại hội Đảng XIII với các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và TP Hồ Chí Minh.

 Thủ tướng phát biểu tại cuộc làm việc
Tăng cường liên kết giữa các địa phương với TP Hồ Chí Minh
Dự cuộc làm việc có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, các thành viên Tiểu ban, TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL, vùng chiếm gần 23% dân số, gần 20% GDP của cả nước.
Đây là cuộc làm việc thứ 4 của Tiểu ban do Thủ tướng chủ trì với các địa phương nhằm khảo sát thực tế, phục vụ việc xây dựng các văn kiện kinh tế-xã hội là Chiến lược 10 năm và Kế hoạch 5 năm.
Tại cuộc làm việc, Thủ tướng đề nghị các địa phương nêu những nét nổi bật nhất về kết quả đạt được, tồn tại hạn chế, bài học kinh nghiệm trong phát triển kinh tế-xã hội địa phương trong 5 năm, 10 năm qua; đặc biệt là cách vận dụng sáng tạo, mô hình mới, thành công, hiệu quả và những vướng mắc, nút thắt, vấn đề trọng tâm nhất cần giải quyết. Đề xuất phương hướng, nhiệm vụ không chỉ đến năm 2025, 2030, mà cả tầm nhìn 2045 đối với vùng. Góp ý không chỉ về vấn đề kinh tế mà cả xã hội, quốc phòng, an ninh.
Đặc biệt, với vị trí quan trọng và đặc thù của vùng ĐSBCL, Thủ tướng đề nghị các địa phương phát biểu về mối liên kết giữa các địa phương trong vùng với TP Hồ Chí Minh và cả nước để bảo đảm phát triển bền vững. Với TP Cần Thơ, cần báo cáo thêm về vấn đề phát triển đô thị, liên kết vùng với vai trò là trung tâm kinh tế-xã hội của vùng ĐBSCL. Bên cạnh đó, các bộ, ngành sẽ phát biểu, giải đáp, làm rõ định hướng phát triển của 13 địa phương.
Kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng đánh giá cao các ý kiến phát biểu, đề nghị Tiểu ban nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện các văn kiện.
Trao đổi một số vấn đề về vùng ĐBSCL, Thủ tướng cho rằng, ĐBSCL là vùng đồng bằng màu mỡ trên thế giới, có các điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng hết sức thuận lợi cho phát triển nông nghiệp chất lượng cao. Thời gian qua, các địa phương trong vùng đạt nhiều kết quả trong phát triển kinh tế-xã hội.
Thủ tướng lưu ý một số khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển như biến đổi khí hậu, hạ tầng không đồng bộ, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu, liên kết vùng còn hạn chế. Đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn.
  Thủ tướng cho rằng, cần khẩn trương hoàn thành quy hoạch vùng ĐBSCL theo phương pháp tích hợp đa ngành, với tư duy mới, tầm nhìn mới. 
Thuận thiên không có nghĩa là phó mặc cho trời đất
Về định hướng thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh, ĐBSCL cần xác định được tầm nhìn của toàn vùng đến năm 2045 đặt trong tầm nhìn và Chiến lược chung của cả nước năm 2045. “Tầm nhìn đó cần hướng đến sự liên kết toàn vùng ĐBSCL phát triển nhanh, bền vững, có bước đột phá một số lĩnh vực, là vùng phát triển không thua kém bất cứ vùng nào về mọi mặt”.
Với tầm nhìn đó, Thủ tướng cho rằng, cần khẩn trương hoàn thành quy hoạch vùng ĐBSCL theo phương pháp tích hợp đa ngành, với tư duy mới, tầm nhìn mới. Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì triển khai phối hợp các địa phương, bộ ngành, các chuyên gia tư vấn trong và ngoài nước, dự kiến giữa năm 2020 trình thông qua. “Quy hoạch khu vực này gắn với TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Quy hoạch ấy phải nói giải pháp kết nối cùng có lợi và vấn đề tiểu vùng được đặt ra như ý kiến các đồng chí đã nêu. Đây là quy hoạch quan trọng, chiến lược quan trọng phải làm trong nhiệm kỳ này, cụ thể là trong cuối năm 2020 phải xong”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Việc thứ hai là xây dựng cơ chế huy động nguồn lực để thực hiện quy hoạch, trong đó ngân sách Trung ương cần bổ sung thêm khoảng trên 45.000 tỷ đồng so với giai đoạn 2016-2020 từ ngân sách Nhà nước, ODA và dành riêng cho các chương trình, dự án hạ tầng quan trọng mang tính liên vùng, ứng phó biến đổi khí hậu, đảm bảo nguồn nước ngọt cho sản xuất và đời sống, cho người dân, các dự án cấp bách giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt cản trở sự phát triển. Đồng thời với việc đó, phải làm tốt xã hội hóa nguồn lực, như một số địa phương khác trong cả nước đã làm và điều kiện có thể có được.
Chính phủ xây dựng cơ chế điều phối vùng đủ mạnh, đủ thẩm quyền, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Cơ cấu lại ngành nông nghiệp dựa trên công nghệ và hiệu quả cao, gắn chế biến với thị trường tiêu thụ, xây dựng các chuỗi sản xuất, các thương hiệu sản phẩm, và gắn với thích ứng biến đổi khí hậu của vùng này. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần thuận thiên, tinh thần “biến nguy thành cơ” đối với ĐBSCL.
Một giải pháp rất quan trọng là đẩy mạnh giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đây thực sự là vấn đề cấp bách. Xây dựng các đô thị thành chuỗi, tạo động lực cho phát triển, từ đó chuyển dịch cơ cấu dân cư. Theo Thủ tướng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã khó, chuyển dịch cơ cấu lao động đối với ĐBSCL càng khó hơn.
Phải đẩy mạnh triển khai đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết 120 của Chính phủ trên tinh thần thuận thiên. “Thuận thiên không có nghĩa là phó mặc cho trời đất mà phải giải quyết những vấn đề cấp bách để bảo vệ người dân, tạo nguồn nước ngọt mới”.
Một động lực mới cần đặt ra đối với các tỉnh ĐBSCL, theo Thủ tướng, là đổi mới sáng tạo, khát vọng phát triển vươn lên, không thua kém bất cứ vùng nào của đất nước. TP Hồ Chí Minh là đối tác phát triển của ĐBSCL, nên cần có sự kết nối toàn diện giữa TP Hồ Chí Minh và ĐBSCL.