Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thủ tướng: Người dân cảm nhận được tinh thần, sự cố gắng phục vụ của lãnh đạo Hà Nội

D. Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng cho rằng, người dân Thủ đô cảm nhận được tinh thần kiến tạo của các sở, ngành, quận, huyện về sự cố gắng phục vụ nhân dân. “Tất nhiên phải cầu thị hơn nữa, tiến bộ hơn, cố gắng hơn nữa, có công cụ đánh giá chính xác hơn nữa... nhưng nhìn chung có chuyển biến”.

Ngày 29/9, tại trụ sở UBND TP Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với TP Hà Nội về tình hình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), công tác đảm bảo an ninh trật tự TP Hà Nội 9 tháng đầu năm 2017, nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm và các đề xuất, kiến nghị của TP.
Thủ tướng khen ngợi nhiều ý tưởng của Hà Nội trong quản lý nhà nước
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng nguyễn Xuân Phúc đánh giá, 2 năm qua, Hà Nội phát triển toàn diện KT-XH, quốc phòng an ninh, đối ngoại... nhất là tăng trưởng kinh tế đạt kế hoạch, có nhiều mô hình kinh tế mới, cách làm mới sáng tạo. Trong đó có việc xã hội hóa nguồn vốn đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ...
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với TP Hà Nội về tình hình phát triển KT-XH, công tác đảm bảo an ninh trật tự TP Hà Nội 9 tháng đầu năm 2017, nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm và các đề xuất, kiến nghị của TP.
Môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính của Hà Nội có chuyển biến. Trong đó, ứng dụng công nghệ thông tin đứng thứ 2/64, PCI đứng thứ 14/63... tuy chưa phải là cao nhất nhưng so với trước đây đã tiến bộ.
Thủ tướng cho rằng, người dân Thủ đô cảm nhận được tinh thần kiến tạo của các sở, ngành, quận, huyện về sự cố gắng phục vụ nhân dân. “Tất nhiên phải cầu thị hơn nữa, tiến bộ hơn, cố gắng hơn nữa, có công cụ đánh giá chính xác hơn nữa... nhưng nhìn chung có chuyển biến”, Thủ tướng đánh giá.
Thủ tướng cũng nhận xét Hà Nội trật tự văn minh đô thị có nhiều chuyển biến rõ nét, cây xanh nhiều hơn, TP sạch hơn, ngăn nắp hơn; Hà Nội đứng đầu cả nước về chỉ số phát triển con người với nhiều thành tích trong văn hóa, giáo dục, y tế, thể thao, nhất là chất lượng giáo dục đào tạo hệ phổ thông, mẫu giáo.
Nhắc đến việc thời gian qua, Hà Nội chuẩn bị đề án hạn chế xe máy vào năm 2030, Thủ tướng đánh giá cao ý tưởng của Hà Nội trong quản lý nhà nước. Thủ tướng nói: “Đây là những ý tưởng tốt trong phát triển quản lý.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương và đánh giá cao sự cố gắng của đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội trong thời gian gần đây, nhất là 2 năm qua. Thủ tướng nêu thách thức từ việc quản lý một siêu đô thị như Hà Nội.
Theo thống kê, diện tích Thủ đô Hà Nội đứng thứ 17 so với các Thủ đô trên thế giới, dân số cao cho nên việc phát triển hạ tầng đô thị, cải thiện môi trường sống, phân bổ dân cư hợp lý... là vấn đề lớn đặt ra. Chưa kể, Thủ đô Hà Nội phải cạnh tranh với các TP lớn trong khu vực, nhất là khi hiện nay hội nhập sâu vào kinh tế thị trường. Với siêu đô thị như vậy, ô nhiễm, ùn tắc... là vấn đề lớn.
Thủ tướng cũng nêu thách thức về chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động, đi liền với vấn đề đào tạo lao động, ứng dụng công nghệ mới; thách thức về nguồn lực; thách thức về các dịch vụ công, giáo dục, y tế, thể thao... đáp ứng được đòi hỏi ngày càng cao của người dân; làm sao tạo động lực mạnh mẽ để từng đơn vị, cán bộ làm việc với tinh thần phục vụ nhân dân...
Trước những thách thức trên, Thủ tướng nêu quan điểm phát triển của Hà Nội “xanh, sạch, bảo tồn và kỷ cương”, quan điểm này phải đặt ra mạnh mẽ hơn. "Chính vì vậy, các giá trị hành vi cốt lõi là TP vì hòa bình phải hòa bình, văn minh, văn hiến và thượng tôn pháp luật.
Quản lý chặt, quy hoạch hợp lý, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa
Thủ tướng cho rằng, mục tiêu chiến lược hay giải pháp then chốt của Hà Nội phải là quản lý chặt, quy hoạch hợp lý, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa. Thủ tướng lưu ý, gợi mở một số chương trình hoạt động cho Hà Nội. Theo Thủ tướng, là Thủ đô nên hợp tác phát triển rất quan trọng, Hà Nội phải hợp tác chặt chẽ với các địa phương lân cận, xóa bỏ địa giới hành chính đơn thuần, tận dụng lợi thế, xóa bỏ sự manh mún của chính sách.
Định hướng quy hoạch, phát triển khoa học công nghệ. Hà Nội có nhiều trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm nằm rải rác khắp nơi, cần chọn lọc, tập trung thành cộng đồng khoa học công nghệ, có thể dùng chung, chia sẻ lợi ích hạ tầng...
Tối ưu hóa nguồn tài nguyên đất. Đất đai Hà Nội quý, phải khai thác sử dụng tốt, để phát triển, chống tham nhũng tiêu cực. Nếu Hà Nội làm được điều này sẽ là bước chuyển mình lớn.
Quang cảnh buổi làm việc.
Thủ tướng cho rằng, hành động sáng kiến, năng lực quản lý rất quan trọng, cho nên tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, công chức, cải cách, tương thích với sự năng động của Hà Nội trong quá trình hội nhập, toàn cầu hóa.
Thủ tướng yêu cầu xây dựng giá trị cốt lõi của Hà Nội hướng tới là đô thị thông minh, phương thức quản lý dựa trên nền tảng công nghệ mới, cơ sở hạ tầng thông minh, xây dựng con người văn minh, xã hội gắn kết rộng mở; tiếp tục xây dựng tiêu chí TP vì hòa bình; TP năng động và hội nhập, thúc đẩy kinh doanh dựa trên nguyên tắc công bằng, minh bạch, môi trường đầu tư chuẩn mực OECD, là nới dung nạp rộng mở các giá trị tiên tiến của châu Á và trên thế giới.

Hà Nội phải là TP kiến tạo và phát triển, đặt người dân, doanh nghiệp vào vị trí trung tâm, mục đích phục vụ của TP. Hà Nội phải là nơi điển hình thu hút người tài, người giàu và người dân có nghề nghiệp, mọi người đều bình đẳng và có cơ hội phát triển hay nói cách khác “là thành phố đáng sống”.

Thủ tướng bày tỏ: “Tất cả những giá trị cốt lõi này, tôi nghĩ Hà Nội làm tốt, không có vấn đề gì ngần ngại khi chúng ta đặt vấn đề cao như vậy”.
"Cái gì cũng đưa Thủ tướng ký thì ký cả đêm cũng không xong”

Thủ tướng yêu cầu xây dựng cơ chế chính sách cho Hà Nội phân cấp cho Hà Nội như Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị nêu. Theo đó, nghị quyết giao cho VPCP xây dựng 1 số cơ chế, chính sách, phân cấp cho Hà Nội 1 số thẩm quyền, trách nhiệm phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ. Tinh thần là có cơ chế vượt trội cho Hà Nội.
"Trung ương giữ cân đối chung, thống nhất cái gì Hà Nội làm được, làm tốt thì để Hà Nội làm, để không phải chạy lên, chạy xuống các bộ về chuyện này, chuyện khác. Cái gì cũng đưa Thủ tướng ký thì Thủ tướng ký cả đêm cũng không xong”, Thủ tướng bày tỏ.

Bên cạnh đó, cần xã hội hóa mạnh mẽ các nguồn lực, nhất là tư nhân đầu tư, từ đó tạo cơ chế huy động vốn làm các công trình nói chung, đặc biệt là công trình hạ tầng, kể cả hệ thống metro Hà Nội. Tận dụng nguồn vốn tư nhân, kể cả FDI để phát triển hạ tầng.

Đối với các vấn đề vượt luật thì cái gì cần sửa luật thì tổng hợp, trình Quốc hội xem xét chỉnh sửa, cái gì thấy cần thiết để tạo điều kiện cho Hà Nội thì để Hà Nội làm thí điểm trên cơ sở có đề án cụ thể.

Thủ tướng cho rằng, cực tăng trưởng của Hà Nội phải hướng vào Đại học Quốc gia hay khu vực đại học, khu công nghệ cao và văn hóa. Kiên quyết thực hiện việc di dời các cơ sở đại học, các bệnh viện, doanh nghiệp như quy hoạch đã đề cập, đặc biệt là di dời các trường đại học ra khỏi nội đô, nếu không rất khó giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông.
Trong phần phát biểu của mình, Thủ tướng cũng đề cập, cho ý kiến đến những kiến nghị của Hà Nội và cơ bản Thủ tướng đồng ý với các kiến nghị. Thủ tướng cho rằng rằng, với kinh nghiệm, truyền thống, nhất định Hà Nội sẽ thành công.