Tối 24/11, tại tỉnh Cao Bằng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ đón nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng và công bố di tích lịch sử địa điểm Chiến thắng biên giới năm 1950 (huyện Thạch An) là di tích Quốc gia đặc biệt.
Tháng 4/2018, Hội đồng Chấp hành UNESCO tại Kỳ họp lần thứ 204 tại Paris, Pháp đã thông qua Nghị quyết công nhận Công viên địa chất Non nước Cao Bằng là Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO. Với danh hiệu này, Non nước Cao Bằng trở thành Công viên địa chất toàn cầu thứ hai ở Việt Nam, sau Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, và là Công viên địa chất toàn cầu thứ 8 của Đông Nam Á. Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, chúng ta tự hào trước đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với những giá trị độc đáo, đặc sắc, nổi bật về địa chất, đa dạng sinh học, di sản văn hóa, lịch sử, cảnh quan của Non nước Cao Bằng, nơi lưu giữ những dấu tích của biến động Trái đất 500 triệu năm qua. Bên cạnh cảnh quan đẹp, hùng vĩ là sự đa dạng, phong phú về bản sắc của cộng đồng các dân tộc vùng Tây Bắc. Danh hiệu UNESCO dành cho Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng là vinh dự không chỉ của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Cao Bằng mà của cả nước. Đến nay, nước ta đã có 38 danh hiệu UNESCO trên các lĩnh vực văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể, di sản ký ức, khoa học. “Mỗi lần Việt Nam được vinh danh, niềm tự hào lại trào dâng, khi những giá trị của đất nước, dân tộc được ghi nhận ở tầm quốc tế và đóng góp cho kho tàng giá trị của nhân loại. Các danh hiệu này đã, đang và sẽ góp phần nâng cao hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam trong con mắt bạn bè quốc tế”, Thủ tướng phát biểu. Chúng ta càng xúc động hơn khi Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng còn được coi là “cái nôi” của cách mạng Việt Nam, nơi khởi nguồn sự nghiệp kháng chiến của nhân dân ta chống các thế lực ngoại xâm và phản động, giành độc lập dân tộc và tự do cho Tổ quốc. Theo Thủ tướng, việc UNESCO công nhận công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng còn có ý nghĩa hơn vì chúng ta có thêm một thương hiệu quốc gia về thắng cảnh và địa chất ở tầm quốc tế. Nếu chúng ta biết cách tương tác giữa di sản với các yếu tố đặc sắc khác của Cao Bằng cũng như kết nối các di sản khác của vùng và các vùng trung tâm du lịch lớn thì di sản của Cao Bằng sẽ là nguồn lực rất quan trọng trong phát triển bền vững.
Đại diện Việt Nam đón nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng |