Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Luôn đổi mới, sáng tạo để góp phần phát triển đất nước

Trần Long - Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 23/4, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng tiểu ban Kinh tế- xã hội Đại hội Đại biểu toàn quốc Đại hội XIII của Đảng chủ trì buổi làm việc với TP Hà Nội và 12 tỉnh, TP thuộc vùng Thủ đô phục vụ xây dựng văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Tham dự buổi làm việc, về phía T.Ư có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam. Về TP Hà Nội có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải; Ủy viên T.Ư Đảng,Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung…
 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận tại buổi làm việc.
Hà Nội đạt nhiều kết quả tích cực, toàn diện
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã trình bày báo cáo đánh giá thực hiện Chiến lược Phát triển kinh tế- xã hội Việt Nam 2011-2020 của TP. Theo đó, bám sát quan điểm phát triển của Chiến lược Phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2011-2020, Hà Nội đã xác định trong các văn kiện Đại hội Đảng bộ TP là phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững. Kết quả, Hà Nội đã đạt được những kết quả tích cực và toàn diện.
Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân trong giai đoạn 2011 - 2015 tăng 7,34% (cách tính cũ) và gấp 1,58 lần mức tăng bình quân chung của cả nước. Trong 3 năm tiếp theo (2016 – 2018), GRDP tăng trưởng bình quân đạt 8,47% và dự kiến giai đoạn 2016 - 2020 đạt 8,54%. Đóng góp của Hà Nội đạt 16,63% GDP và 17,19% thu ngân sách cả nước.
Ngoài ra, Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVI quyết nghị 13 chỉ tiêu/nhóm chỉ tiêu kinh tế-xã hội. Đến nay, TP đã đạt 3 chỉ tiêu đề ra trong năm 2018 (sớm 2 năm) và năm 2019, hoàn thành thêm Chỉ tiêu về môi trường. 9 chỉ tiêu còn lại sẽ được TP tập trung phấn đấu hoàn thành trong năm 2019 và năm 2020.
Báo cáo của Chủ tịch UBND TP cũng thẳng thắn nêu rõ một số hạn chế, khó khăn cũng như kiến nghị. Đáng chú ý, Hà Nội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm sớm trình Quốc Hội xem xét, thông qua Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội; quan tâm chỉ đạo tháo gỡ khó khăn và bố trí vốn đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án lớn để phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn…
Phát huy tinh thần sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, báo cáo và ý kiến của các địa phương cho thấy sự thẳng thắn, chuẩn bị nghiêm túc và nhiều vấn đề báo cáo sâu, đúng yêu cầu của Tiểu ban. Đây là những tư liệu tốt giúp Tiểu ban tổng kết, xây dựng dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.
Theo Thủ tướng Chính phủ, triển khai thực hiện Chiến lược Phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam 2011-2020, Hà Nội và các tỉnh, TP Vùng Thủ đô đã đạt kết quả khá toàn diện, xuất hiện nhiều điểm sáng, nhiều mô hình hay. Các tỉnh, thành phố đều tăng trưởng cao; đời sống nhân dân được nâng cao rõ nét; bộ mặt nông thôn, miền núi, đô thị đổi thay rất nhiều so với trước; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả nổi bật, ngày càng phát huy hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, quá trình thực hiện Chiến lược còn tồn tại nhiều hạn chế, vướng mắc. Quy hoạch phát triển, hệ thống pháp luật còn bất cập, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương. Phân cấp, phân quyền chưa đạt yêu cầu. Xã hội còn nảy sinh, tồn tại nhiều bức xúc... Bên cạnh trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ, còn có trách nhiệm của các địa phương liên quan đến tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ dám làm.
“Xét cho cùng mục tiêu phát triển là vì con người, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người dân, tiếp tục phát triển toàn diện 3 trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường. Vì vậy, thời gian tới, các địa phương tiếp tục tập trung chăm lo cho xây dựng nông thôn, miền núi; không chỉ phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới mà cần tập trung xây dựng nông thôn kiểu mẫu; thực hiện các chỉ tiêu thực chất, không hình thức. Ngoài ra, tăng cường kỷ cương, kỷ luật; đẩy mạnh thu hút nhân tài; quan tâm phát triển công nghiệp, dịch vụ có giá trị gia tăng cao...” - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành tiếp thu để tập trung giải quyết, báo cáo đề xuất giải quyết sớm các vướng mắc được TP Hà Nội và các địa phương nêu tại buổi làm việc. Văn phòng Chính phủ tổng hợp, theo dõi, đôn đốc và báo cáo Thủ tướng Chính phủ để thông báo công khai kết quả giải quyết.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương tiếp tục sáng tạo, đổi mới phong cách làm việc, dám làm, dám chịu trách nhiệm để phát triển kinh tế-xã hội địa phương và đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của cả nước.