Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Tài chính không chỉ là bảo đảm thu chi ngân sách

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát biểu chỉ đạo Hội nghị sơ kết công tác tài chính ngân sách 6 tháng năm 2020, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm do Bộ Tài chính tổ chức ngày 7/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Tài chính không chỉ bảo đảm thu chi ngân sách nhà nước, mà cần được hiểu nghĩa rộng là nuôi dưỡng nguồn thu, tạo động lực thúc đẩy phục hồi phát triển kinh tế xã hội.

Thu thấp, nghiên cứu giảm chi
Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, tổng thu ngân sách 6 tháng ước đạt 44,2% dự toán, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm 2019. “Đây là năm có tiến độ thu ngân sách đạt thấp nhất kể từ năm 2013” - đại diện Bộ Tài chính thông tin.
Trong thu nội địa, thu từ 3 khu vực kinh tế đều đạt thấp. Cụ thể, thu từ khu vực DN nhà nước đạt 37,1% dự toán, giảm 21,5%; thu từ khu vực DN FDI đạt 41,9% dự toán, giảm 6,3%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 37,1% dự toán, giảm 15%. Kết quả này phản ánh thực trạng nền kinh tế hiện nay, cho thấy tình hình hoạt động của DN thực sự gặp nhiều khó khăn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tinh thần tiến công cách mạng rất quan trọng trong khó khăn
Tổng chi ngân sách nhà nước (NSNN) tính đến hết tháng 6 ước đạt 41,8% dự toán, trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 33,1% dự toán, chi trả nợ lãi đạt 50,3% dự toán, chi thường xuyên đạt 48,2% dự toán. Đến nay, NSNN đã chi khoảng 15,3 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Trong bối cảnh này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đề xuất, để giảm bớt tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, chia sẻ khó khăn với DN và người dân, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ, Quốc hội yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chủ động điều hành chi NSNN chặt chẽ, triệt để tiết kiệm, bố trí trong dự toán được giao để thực hiện các nhiệm vụ chi quan trọng; rà soát để cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác phí trong và ngoài nước và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2020.
Đặc biệt, các khoản chi mua sắm chưa thực sự cần thiết; đồng thời, chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1/7/2020.
Tinh thần tiến công rất quan trọng trong khó khăn
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tài chính không chỉ bảo đảm thu chi ngân sách nhà nước, mà cần được hiểu nghĩa rộng là nuôi dưỡng nguồn thu, tạo động lực thúc đẩy phục hồi phát triển kinh tế xã hội. Vì thế, cần ủng hộ những mô hình kinh doanh hình mới, chuyển từ bị động sang chủ động hơn nữa trong tháo gỡ khó khăn cho các dự án.
Thủ tướng cũng đánh giá cao các đơn vị, địa phương đã nỗ lực thu ngân sách và cân đối chi hiệu quả trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. TP Hà Nội là một điển hình.
Cũng tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết, từ tháng 5, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế đều tăng cao so với tháng trước. Tính cả số tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn, thu ngân sách trên địa bàn Hà Nội là 143.478 tỷ đồng, đạt 51,4% dự toán, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2019. Chi ngân sách địa phương là 31.882 tỷ đồng, đạt 30,9% dự toán.
TP Hà Nội đã rà soát, cắt giảm chi thường xuyên đợt 1 là 2.900 tỷ đồng và chỉ đạo rà soát, giãn, hoãn hơn 17.100 tỷ đồng tiền thuế, tiền thuê đất cho các DN trên địa bàn, chiếm khoảng 45% của cả nước. Việc chi trả cho các đối tượng người có công, người nghèo, cận nghèo đã đạt 99,9%; thực hiện cho hơn 17.000 lao động mất việc làm, tạm hoãn, nghỉ việc không lương do ảnh hưởng của dịch. TP đã tổ chức thành công Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển”, thu hút số dự án tăng gấp 5 lần và số vốn tăng gấp 11 lần so với hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2016.
Trước quyết tâm và nỗ lực của Hà Nội trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi Covid-19, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, các địa phương cần học tập để tiến lên, không bàn lùi, không kêu khổ. “Tinh thần tiến công cách mạng rất quan trọng trong khó khăn”- Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, nhiệm vụ từ nay đến cuối năm rất nặng nề. Vì vậy, Bộ Tài chính sớm có lời giải cho câu hỏi: Ngành tài chính cần tiếp tục làm gì để tháo gỡ, khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, hỗ trợ người dân, DN? Thủ tướng yêu cầu, Bộ Tài chính cần theo dõi sát tình hình quốc tế và trong nước, có chính sách phù hợp, kịp thời, tiếp tục thực hiện mục tiêu kép vừa quyết liệt phòng chống dịch vừa phục hồi kinh tế xã hội.
Để tạo động lực thúc đẩy kinh tế xã hội trong trạng thái bình thường mới, Bộ Tài chính cần sự đổi mới tư duy phát triển, hoạch định chính sách, có quan điểm chủ động tích cực hơn về vài trò chính sách tài khóa trong tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, kích thích tổng cầu.