Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Nông nghiệp là trụ đỡ, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của nền kinh tế

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 29/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị tổng kết công tác ngành nông nghiệp và PTNT năm 2021, đồng thời có bài phát biểu quan trọng chỉ đạo định hướng phát triển “tam nông” trong năm 2022.

Nông nghiệp chuyển đổi tích cực
Mở đầu bài phát biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ sự tán thành, đánh giá cao kết quả mà ngành nông nghiệp và PTNT đạt được trong năm 2021. “Báo cáo tham luận của các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp hôm nay cũng rất sinh động, sát với tình hình thực tế. Bộ NN&PTNT cần tiếp thu những nội dung phù hợp để đưa vào kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm 2022” – Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị. 
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: TTXVN.
Nhìn lại năm 2021, người đứng đầu Chính phủ đánh giá việc phát triển các mục tiêu kinh tế - xã hội trên bình diện cả nước có nhiều kết quả đáng khích lệ, nhất là trong bối cảnh tình hình thực tiễn có nhiều khó khăn. Trong thành tích chung của cả nước có đóng góp lớn của ngành nông nghiệp. 
“Nông nghiệp vẫn là trụ đỡ quan trọng của đất nước. Sự tăng trưởng của lĩnh vực nông nghiệp đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng chung của cả nước. Nhìn nhận thành quả có được để thấy toàn ngành đã nỗ lực, cố gắng ra sao” – Thủ tướng Phạm Minh Chính khích lệ. 
Theo người đứng đầu Chính phủ, nông dân luôn được xác định là trung tâm, nông nghiệp là động lực và nông thôn là nền tảng. Điều đáng mừng, nông nghiệp hiện nay đang chuyển đổi từ chiều rộng sang chiều sâu trên cơ sở quy hoạch vùng canh tác, ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số vào sản xuất. Nhận thức về tầm quan trọng của nông nghiệp của các tầng lớp Nhân dân cũng đã được nâng lên. “Nông dân đã biết làm giàu bằng bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển, mảnh đất của mình” – Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ. 
Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ ra một số vấn đề tồn tại mà ngành nông nghiệp và PTNT cần tập trung khắc phục. Phát triển nông nghiệp được đánh giá chưa tương ứng tiềm năng lợi thế, nhất là về kinh tế biển. Công tác dự báo về thị trường còn hạn chế. Nông nghiệp phát triển chưa thực sự bền vững, chưa dựa nhiều vào khoa học công nghệ và chuyển đổi số. Công nghệ sau thu hoạch còn giản đơn, ít được chú trọng. Thị trường xuất khẩu chưa đa dạng, còn phụ thuộc lớn vào một số thị trường…
Năm 2022, phấn đấu tăng trưởng nông nghiệp đạt trên 3%
Năm 2022, dự báo có nhiều thời cơ nhưng sẽ có cả thách thức. Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ NN&PTNT thậm chí cần xác định sẽ còn khó khăn hơn năm 2021 để từ đó tiếp tục đoàn kết thống nhất, sáng tạo đổi mới, tiến tới hoàn thành tốt các nhiệm vụ trong năm 2022.
“Bộ NN&PTNT phải đổi mới tư duy mạnh mẽ hơn nữa. Nâng cao tầm dự báo chiến lược, kịp thời hơn, chính xác hơn. Việc tổ chức thực hiện cũng phải thiết thực, hiệu quả và mang lại giá trị gia tăng cao hơn...” – Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặt mục tiêu tăng trưởng ít nhất 3% cho ngành nông nghiệp và PTNT trong năm 2022. Ảnh minh hoạ.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế, do đó Bộ NN&PTNT cần đặt ra mục tiêu cao hơn, tăng trưởng năm 2022 cần phấn đấu đạt từ 3% trở lên. Xuất khẩu cũng phải đạt hơn 50 tỷ USD. “Trụ đỡ mà đứng yên thì đất nước thụt lùi. Do đó không nên khiêm tốn quá; phải đặt mục tiêu cao để nỗ lực nhiều hơn…” – Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh. 
Để đạt được mục tiêu nêu trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bộ NN&PTNT tiếp tục bám sát thực tiễn để cụ thể hoá chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển “tam nông”, bảo đảm có tính khả thi và đạt hiệu quả cao. Xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, xây dựng lộ trình thực hiện và phân công, phân nhiệm cụ thể trong quá trình thực hiện…
Cùng với coi trọng công tác xây dựng chiến lược, quy hoạch, Bộ NN&PTNT cần rà soát kỹ, tiếp tục hoàn thiện thể chế để phát triển nông nghiệp bền vững, theo chiều sâu dựa vào khoa học công nghệ và chuyển đổi số. Nâng cao hơn nữa năng suất lao động. Phát hiện và tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế để thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững. 
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị Bộ NN&PTNT cần đa dạng hoá thị trường, thúc đẩy xây dựng nhiều sản phẩm quốc gia, quốc tế trên cơ sở nâng cao chất lượng và thương hiệu. “Phải có thương hiệu thì giá trị gia tăng mới cao. Cà phê của Việt Nam không hề thua kém Brazil nhưng giá trị lại chưa so được với nước bạn là minh chứng cho sự cần thiết này...” – Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời đề nghị Bộ NN&PTNT cũng như các bộ ngành cần tiếp tục khai thác tối đa 17 hiệp định thương mại để thúc đẩy xuất khẩu.
Liên quan đến vấn đề tiêu thụ nông sản, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị tiến tới cần sản xuất hàng hoá phục vụ xuất khẩu chính ngạch. “Khi ta sản xuất tự cung tự cấp thì khác, còn muốn xuất khẩu thì cần đầu tư kiểu khác. Việc chuyển đổi có thể không giải quyết được ngay trong 1 năm, nhưng cần có lộ trình cụ thể để thực hiện đạt hiệu quả...” – người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh; đồng thời cũng đề nghị Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương cần tiếp tục cải thiện mối quan hệ giao thương với Trung Quốc và các quốc gia khác để đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch, giải quyết triệt để bài toán ùn ứ nông sản thời gian qua tại cửa khẩu phía Bắc.